Trên vùng đất Hà Giang, có nhiều loại măng rừng mọc theo các mùa. Mùa Xuân là thời điểm của những cây măng vầu to khỏe; mùa Hè là những đợt măng nứa, măng giang và các loại măng mai, măng bương thi nhau vươn lên chiếm lĩnh không gian đồi rừng.
Cuối Thu, đầu Đông, thời điểm khi những cánh rừng bắt đầu ngả vàng, chuẩn bị ủ mình qua Đông, có một loại măng rừng nhú mầm thức giấc, bắt đầu mùa măng trúc nhỏ. Bà con các dân tộc hay gọi loại măng trúc nhỏ này là măng tay, vì thân măng bé như những ngón tay.
Ở miền núi rừng Hà Giang, nơi những cây măng trúc nhỏ mọc thường có độ cao từ 400 – 1.000 m so với mực nước biển.
Giữa không gian mát lạnh và đầy ắp sự trong lành của thiên nhiên, thời điểm rừng núi có những làn sương lạnh kéo về, đất trời giăng sương khói đẫm hơi ẩm.
Mặt đất đẫm sương giúp cho những bụi trúc nhỏ với thân to tầm như ngón tay cái hoặc to hơn một chút bắt đầu một nhịp sống mới.
Những thân măng bé như ngón tay trỏ, ngón tay cái bắt đầu đội mình qua những lớp mùn đất, lớp lá mục để được tắm trong những làn sương của núi rừng.
Măng tay theo chị em người Dao trên dãy núi Tây Côn Lĩnh (tỉnh Hà Giang) xuống chợ.
Giữa thời điểm mà muôn loài động, thực vật thường bắt đầu chuyển nhịp sinh học ngủ đông, loài trúc nhỏ lại chọn cách thức giấc, đón những khoảnh khắc giao mùa đầy xáo động của thời tiết.
Vì thế, nếu có dịp hòa mình vào những sườn núi Tây Côn Lĩnh và nhiều dải núi khác, chợt thấy lạ khi những bụi trúc nhỏ với tua tủa những ngọn măng tay âm thầm vươn lên. Những bụi măng trúc nhỏ vươn lên trong sương lạnh như nói lên sức sống của miền rừng.
Ở nơi mà đất trời như chạm nhau, nếu để ý kỹ, ta có thể thấy vẫn còn nhiều những điều lạ về cuộc sống thiên nhiên. Đặc biệt, trên dải Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, giống trúc nhỏ phát triển khá nhiều.
Vào đầu Đông, khi những ngọn măng trúc nhỏ nhú dậy, cũng là thời điểm mà các loài muông thú đang nạp năng lượng cho một giấc ngủ Đông.
Có nhiều loài động vật chuyên ăn những thực vật như măng trúc nhỏ. Vì thế, những bụi trúc nhỏ là điểm đến đầy ưa thích của các loài thú ăn măng.
Có dịp hòa vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc bên những sườn núi Tây Côn Lĩnh, được thấy những đôi bàn tay khéo léo của các chị em lên rừng hái măng, bóc những cây măng tay rất khéo léo và kiên trì.
Những thân măng trúc nhỏ được bẻ xuống rồi bóc vỏ để lựa những đoạn măng nõn nà, chưa rỗng thân mang về sử dụng. Người chịu khó đi tìm măng ở những sườn núi cao, xa nhà sẽ kiếm được nhiều măng rừng và những thân măng cũng to, đẹp và ngon hơn.
Món măng tay xào tỏi lạ miệng và hấp dẫn ở Hà Giang.
Sau một buổi sớm tìm măng, có những người bẻ được hàng trăm ngọn măng tay đựng trong túi vải hoặc trong túm lá cọ xuống núi.
Ở một sườn đồi hoặc một chiếc lán bên nương, chị em tụm lại giúp nhau bóc măng. Những ngón tay thâm đen bởi nhựa măng cứ thoăn thoắt bóc tách. Nhà có 4 – 5 người chỉ cần bóc được 1kg măng tay là đã có một bữa tươm tất rồi.
Những chiếc măng trúc nhỏ theo cách chế biến của người Tày, người Dao, người Mông ở mạn Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần… rất đa dạng.
Măng tay sau khi đập dập xào với thịt bò, xào lòng gà, vịt, xào với tỏi, xào mẻ và cà chua. Người chế biến cũng có một cách chế biến đơn giản, đó là cho những ngọn măng tay vào nồi hấp lên, hoặc “đặc sản” hơn sẽ vùi măng tay vào bếp than nướng cả vỏ rồi mới bóc ra ăn sẽ thơm, ngọt hơn.
Những chiếc măng tay sau khi luộc có thể đập dập, vắt chanh vào rồi trộn với tiêu, ớt, rau thơm cũng là món cực ngon. Có nơi còn có món măng tay muối chua cũng hết sức hấp dẫn. Trong những ngày trời se se lạnh, một nồi canh măng tay hầm xương bốc hơi nghi ngút cũng là thứ lạ miệng và cực đưa cơm.
Chiều tà đầu Đông, đi qua các làng bản, nơi mà khói cơm chiều bắt đầu nhả ra từ những mái nhà sàn rêu phong. Chợt thấy mùi măng tay xào tỏi như gợi lên một bữa ăn đầy ngon lành của một hộ dân nào đó.
Thật đặc biệt khi có dịp được lên bản vùng cao dự lễ lạt vào mùa đầu Đông, ở đó thường có món măng tay luộc, măng xào, măng nướng được bày cùng với các món ăn địa phương rất hấp dẫn.
Những chiếc măng tay khiến người ta gần nhau, sẻ chia và gắn kết hơn trong những câu chuyện tình cảm giữa miền núi rừng Hà Giang thơ mộng.
Những chiếc măng tay vốn ngày nào là thức ăn bình thường, nhưng nay đã được đưa xuống phố và trở thành một sản vật. Những bó măng tay ở các chợ phiên thường được bán rất nhanh, những quán ăn có thực đơn măng tay luôn được khách gọi.
Điều đó cho thấy, người ta rất thích thú với những hương rừng, vị núi, thích những sản vật được sinh ra từ thiên nhiên.
Mong sao, những cánh rừng mãi được bảo vệ tốt, để những búp măng trúc nhỏ sẽ tiếp tục sinh sôi, nối tiếp những mùa măng tay ới à tiếng gọi nhau đi lấy măng đầy thú vị và tình cảm của bà con miền rừng.