Dân Việt

Bán loại viên nén chủ yếu làm từ mùn cưa, gỗ vụn cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam thu 800 triệu USD

P.V 01/12/2023 19:26 GMT+7
Sau một thời gian tăng trưởng "nóng", bước sang năm 2023, giá viên nén xuất khẩu giảm nhiệt, tuy nhiên, xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển. Đáng chú ý, việc sử dụng phụ phẩm ngành chế biến gỗ làm nguyên liệu đầu vào sản xuất viên nén còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Sau thời gian “sốt” năm 2022 với lượng xuất khẩu viên nén gỗ tăng 30% và giá xuất khẩu tăng 150 - 200% so với năm 2021, hiện xuất khẩu viên nén sụt giảm cả về lượng và đơn giá xuất khẩu, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc. Nếu đà xuất khẩu như hiện nay được duy trì, quy mô xuất khẩu viên nén gỗ năm 2023 sẽ tụt khoảng 15 - 17% so với năm 2022.

Báo cáo của chuyên gia tổ chức Forest Trends cho thấy, 9 tháng năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm sâu trong xuất khẩu viên nén vào thị trường Hàn Quốc. 

Theo đó, 9 tháng năm 2023, trong khi lượng xuất khẩu viên nén vào thị trường Nhật đạt 2 triệu tấn, tương đương gần 82% lượng xuất khẩu vào thị trường này năm 2022 thì lượng xuất khẩu vào Hàn Quốc chỉ đạt gần 1,3 triệu tấn, tương đương 56% lượng xuất vào thị trường này trong cả năm 2022.

Chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, lượng viên nén của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác, bao gồm cả nguồn cung từ Nga.

Giá xuất khẩu (FOB) sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản tháng 12/2022 đạt trung bình khoảng 185 USD/tấn, tăng mạnh từ khoảng 145 USD/tấn tại Nhật và 173 USD/tấn tại Hàn Quốc vào tháng 6 trong cùng năm. 

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, giá xuất khẩu lao dốc. Giá xuất khẩu tháng 4 năm 2023 vào Nhật giảm còn 167 USD/tấn trong khi giá tại Hàn Quốc chỉ còn 111 USD/tấn. Giá xuất khẩu trung bình vào Hàn Quốc trong tháng 9/2023 chỉ hơi nhích so với trước năm 2022, đạt 115 USD/tấn, tương đương 60% mức giá xuất vào thị trường này vào các tháng cuối năm 2022. 

Bán loại viên nén chủ yếu làm từ mùn cưa, gỗ vụn cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam thu 800 triệu USD - Ảnh 1.

Việt Nam hiện đã vươn lên là quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu viên nén, trên 95% viên nén của Việt Nam được xuất vào Nhật và Hàn Quốc. Ảnh: T.L

Việt Nam hiện đã vươn lên là quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu viên nén, trên 95% viên nén của Việt Nam được xuất vào Nhật và Hàn Quốc. 

TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp Tổ chức Forest Trends nhận định, ngành viên nén là một ngành non trẻ. Theo ước tính ngành hiện có sự tham gia của 400-500 doanh nghiệp. Dư địa mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Nhật Bản, vẫn còn nhiều.  

Phát triển bền vững ngành viên nén cũng đòi hỏi các cơ chế, chính sách hợp lý nhằm cân bằng nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào giữa ngành viên nén và các ngành khác, đặc biệt là ngành dăm có cùng sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với ngành viên nén. 

Phát triển bền vững ngành cũng đòi hỏi việc quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với năng lực chế biến của doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước.

Gỗ nguyên liệu từ rừng trồng không chỉ quan trọng đối với ngành viên nén mà còn với các ngành khác như đồ gỗ nội – ngoại thất, ngành sản xuất ván ép, ván bóc… Đây cũng là nguồn cung nguyên liệu ướt cho các doanh nghiệp sản xuất viên nén.

Nguồn nguyên liệu "khô" để sản xuất viên nén bao gồm phụ phẩm của quá trình chế biến gỗ nhập khẩu hoặc/và các loại ván, đã trải qua công đoạn sấy khô. Nguồn này bao gồm mùn cưa, dăm bào, đầu mẩu gỗ… Do đã trải qua công đoạn sấy, các phụ phẩm từ quá trình này không cần qua công đoạn sấy trước khi hình thành viên.

Mặc dù mới chỉ hình thành trong thời gian ngắn, ngành viên nén đã trở thành một hợp phần quan trọng của ngành chế biến gỗ. Ngành vẫn đang tiếp tục mở rộng và còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai, cả từ thị trường xuất khẩu và nội địa. Tuy nhiên ngành đang phải đối mặt với một số khó khăn trực tiếp ảnh hưởng tới sự bền vững của ngành. 

Một trong những khó khăn lớn nhất là tính chưa bền vững về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào kể cả về lượng và về tiêu chuẩn, chất lượng. Giải quyết các khó khăn này, theo TS.Tô Xuân Phúc, cần có các cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng. 

Cụ thể, các cơ quan quản lý tại các địa phương cần tính toán khả năng cung gỗ nguyên liệu của các diện tích rừng trồng (và các cơ sở chế biến) trong phạm vi địa phương của mình, đánh giá năng lực và công suất của các dự án chế biến, dựa trên đó quyết định cấp phép cho các dự án này theo khả năng cung nguyên liệu. 

Gỗ nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất viên nén hiện là các phần phụ phẩm của ngành chế biến hoặc của nguồn gỗ rừng trồng. Do là phụ phẩm, phần nguyên liệu này thường không được đánh giá cao về giá trị kinh tế. Tại một số địa phương, nơi chưa có sự hiện diện của cơ sở sản xuất viên nén, phần phụ phẩm này thậm chí đang được đốt bỏ. Tuy nhiên, phần phụ phẩm này hiện đang đem lại kim ngạch gần 800 triệu USD mỗi năm thông qua xuất khẩu viên nén.

"Phần phụ phẩm này cũng đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giảm phát thải khí nhà kính, không phải chỉ ở các quốc gia đang nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam mà còn có tiềm năng giảm phát thải tại chính Việt Nam", TS.Tô Xuân Phúc nhận định.