Để khuyến khích người trồng mía, một số nhà máy đã có thay đổi về chính sách. Trong thông báo ngày 27/11, Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) cho biết sẽ thưởng 50.000 đồng/tấn cho nông dân tuân thủ hợp đồng, bán toàn bộ mía cho công ty.
Tiền thưởng sẽ được chi trả một lần ngay sau khi vụ ép 2023 - 2024 kết thúc. Ngoài ra, NASU sẽ tăng giá cho những chuyến mía có độ đường cao và giảm giá với những chuyến mía có độ đường thấp.
Giá mía mua tại nhà máy của NASU tại thời điểm đầu vụ là hơn 1,3 triệu đồng/tấn và 1,17 triệu đồng/tấn tại ruộng.
Nhà máy đường An Khê của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, ngày 28/11, cũng thông báo giá thu mua mía độ đường 10 CCS là 1,1 triệu đồng/tấn tại ruộng.
Còn Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng nâng giá mua mía cao hơn 6,5% so với niên vụ trước lên khoảng 1,3 triệu đồng/tấn (đối với mía loại 1).
Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng cho biết, công ty đã mất khoảng 35% vùng nguyên liệu sau khi nhiều hộ chuyển sang trồng loại cây khác khi giá mía thấp trong giai đoạn 2018 - 2020 và đối diện với nạn thương lái tranh mua mía từ nông dân.
Chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt, sáng 1/12, ông Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường cho rằng, giá mía đầu vụ ép năm nay trung bình chỉ cao hơn vụ trước 50.000 đến 100.000 đồng/tấn mía (tương đương 5-10%). Trong khi đó, giá đường liên tục tăng cao 20-30%.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, giá đường tiêu dùng trong nước có thời điểm trong tháng 9 và tháng 10 lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg.
Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg. Còn theo khảo sát mới đây, giá đường bán lẻ cho người tiêu dùng xoay quanh mức 26.000-34.000 đồng/kg (tùy loại) trong khi đường phục vụ sản xuất ở mức từ 22.000-23.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá đường tăng 20-30%, theo ông Đương, do thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất và xuất khẩu đường chủ yếu trên thế giới như: Brazil, Thái Lan, Ấn Độ, Úc... Ông Đương dự báo giá đường vẫn tiếp tục cao trong thời gian tới.
Để người trồng mía có thu nhập ổn định, "giữ chân" được người nông dân, theo ông Đương, Nhà nước phải có quy định về việc chia sẻ lợi ích rõ ràng, minh bạch giữa nông dân và nhà máy đường (NMĐ) theo tỷ lệ 65-70% giá trị thu được từ 1 tấn mía (gồm giá bán đường, rỉ mật) cho nông dân và 30-35% cho NMĐ như Thái Lan, Philippines, Úc... hoặc phải có khuyến cáo về giá sàn mua 1 tấn mía 10 CCS, ít nhất bằng 65kg đường trắng chưa có thuế VAT như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng đưa ra.
Ngoài ra, do sản phẩm mía nguyên liệu là sản phẩm trung gian, chỉ có thể bán được cho NMĐ và ở Việt Nam, NMĐ chỉ có thể sản xuất đường từ mía (bên bán và bên mua phụ thuộc hoàn toàn lẫn nhau) nên giá mua bán mía phải được hiệp thương giá theo quy định của Luật giá 2012. Nếu 2 bên không hiệp thương được, thì Sở Công Thương có thể ban hành giá mía áp đặt hàng năm, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và NMĐ, có như vậy, nông dân mới yên tâm đầu tư sản xuất, khôi phục lại diện tích trồng mía về mức 300.000 ha (hiện mới chỉ đạt 160.000 ha) theo đúng định hướng phát triển ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2023 - 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao.
Theo Chủ tịch VSSA, dự kiến niên vụ 2023 - 2024, diện tích vùng nguyên liệu trồng mía dự kiến tăng 12% so với niên vụ trước lên 160.000 ha. Sản lượng đường cũng tăng khoảng 9% lên hơn 1 triệu tấn.