Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh, năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động từ sự biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực; song, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt một số kết quả quan trọng.
Đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng được nâng lên, công tác phát triển đảng viên mới vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Quy mô nền kinh tế khoảng 112,5 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 23.951 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa ước đạt 20.880 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ tăng trưởng khá ở hầu hết các nhóm ngành; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
"Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thẳng thắn nhìn nhận và báo cáo với hội nghị một số tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trên một số lĩnh vực.
Tôi đề nghị cần nghiên cứu dự thảo báo cáo để có nhận định, đánh giá thật khách quan, toàn diện, sát, đúng với tình hình thực tiễn; nhất là những khó khăn, bất cập, hạn chế, thiếu sót trong quá trình cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp trên.
Về tiến độ rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; công tác phối hợp thẩm định tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ. Chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; công tác nắm tình hình, đề xuất, theo dõi kết quả giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân…", Bí thư Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Bí thư Quảng Nam cho biết thêm, đặc biệt, năm 2023 tình hình kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022; đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay.
Tình hình thu hút đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác giải ngân vốn đầu tư công... là những vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế và là điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển chung của tỉnh.
"Tôi đề nghị cần phân tích các nguyên nhân chủ yếu tác động đến tình hình như đã nêu trên. Sự phối hợp giải quyết thủ tục hành chính và xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện giữa các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh với cấp huyện.
Việc chậm trễ, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết những bất cập, hạn chế trên lĩnh vực y tế dẫn đến kéo dài tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập; việc giải quyết nợ lương, bảo hiểm xã hội tại một số cơ sở y tế vẫn còn xảy ra… ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và gây dư luận không tốt.
Tại hội nghị này, tôi đề nghị nghiêm túc nhìn nhận để cho ý kiến đánh giá về những hạn chế, tồn tại trên các mặt công tác mà dự thảo báo cáo nêu đã đầy đủ, sát đúng với tình hình thực tiễn chưa...", Bí thư Phan Việt Cường nêu rõ.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Bí thư Quảng Nam nhấn mạnh, cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2024.
"Bên cạnh đó, đề nghị tập trung thảo luận về giải pháp dài hạn, căn cơ để hạn chế sự tác động, lệ thuộc trong việc cân đối ngân sách; làm thế nào để chúng ta vừa phải tăng trưởng nguồn thu, vừa đảm bảo tính ổn định và bền vững.
Giải pháp kiểm soát tốt nguồn thu, hạn chế tình trạng nợ đọng thuế. Biện pháp, giải pháp giải quyết triệt để tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được". Cho ý kiến về quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công được xác định như trong dự thảo báo cáo đã phù hơp chưa, cần điều chỉnh, bổ sung nội dung nào…", Bí thư Quảng Nam nhấn mạnh.