Chiều 5/12, tiếp tục kỳ họp HĐND TP.Hà Nội lần thứ mười bốn, các đại biểu HĐND TP.Hà Nội khóa XVI tiến hành thảo luận tại tổ về các vấn đề liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các nội dung chủ yếu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065…
Đóng góp ý kiến khi thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, cần nghiên cứu đồng bộ chương trình phát triển đô thị, từ đó cho phép nhìn nhận quy mô, nguồn lực, kèm theo xác lập cơ chế phát triển, khắc phục hạn chế yếu kém của thời kỳ trước.
Theo vị Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, năng lực phát triển hạ tầng kỹ thuật và giao thông của Thủ đô đang ở mức thấp. Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội dẫn chứng, Thủ đô hiện có khoảng 8,5 triệu dân, trong đó trên 1,5 triệu dân đi lại tự do, tổng số dân hoạt động tại Thủ đô là 10 triệu, trong đó, số lượng phương tiện tại Thủ đô là 1,5 triệu ô tô, 6,5 triệu xe máy và khoảng 2 triệu xe đạp điện, tổng khoảng 10 triệu phương tiện.
Tốc độ gia tăng phương tiện tại TP.Hà Nội là khoảng 4-5%/năm, cá biệt ô tô tăng 10%, trong khi đó, khả năng đáp ứng diện tích chiếm đất phục vụ giao thông theo quy hoạch yêu cầu là 25-26%, nhưng hiện mới chỉ đạt được gần 13%.
Theo ông Tuấn, việc phương tiện gia tăng nhưng năng lực đầu tư công cho hệ thống hạ tầng của cả Trung ương và địa phương chỉ khoảng 0,5%, chưa đáp ứng kịp nên ùn tắc và thiếu bãi đỗ xe, đặc biệt ở nội đô lịch sử và trung tâm nội thành trở nên trầm trọng.
Vị lãnh đạo Hà Nội cho rằng HĐND, UBND Thành phố ngoài việc nghiên cứu các nguồn lực thực tế, cần tập trung xem xét khả năng đầu tư công, thiết lập cơ chế đầu tư mới.
Về vấn đề giao thông, ông Tuấn cho biết, đường sắt đô thị là xương sống của vận tải hành khách công cộng và là mô hình vận tải khối lượng lớn, tốc độ cao. Dẫn chứng về tuyến Cát Linh – Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn nói tuyến này chỉ dài khoảng 13km nhưng vận tải hiệu quả.
Theo các quy hoạch, Thủ đô Hà Nội có 418km đường sắt đô thị với 10 tuyến đường sắt đô thị; sắp tới việc điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch Thủ đô sẽ nâng lên dự kiến 14 tuyến, tổng chiều dài 500km nối cả các tỉnh trong Vùng Thủ đô và 5 trục phát triển.
Cũng theo ông Tuấn, tính cả tuyến Cát Linh - Hà Đông đang vận hành và tuyến Nhổn - ga Hà Nội giai đoạn 1 dài 8,5km đoạn trên cao dự kiến khai thác vào giữa năm 2024, vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng khoảng 6% nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, hai tuyến đường sắt này nhìn nhận lại cả một quá trình đầu tư thì phải cỡ 10-15 năm.
"Giả thiết có 10 tuyến và làm theo phương pháp từng tuyến một thì chúng ta phải mất khoảng 100 năm may ra mới có một số tuyến này, quá bất cập" – ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho rằng HĐND TP.Hà Nội cần thiết lập một đề án tổng thể để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đồng loạt, quy mô dự kiến là khoảng 40 tỷ USD, tức gần 1 triệu tỷ đồng, tương tự TP.HCM.
Vị lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đề xuất Thành phố cần cần thiết lập bằng được đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, dùng các nguồn lực và đi tìm các cơ chế cả trong Luật Thủ đô, cả trong luật đầu tư công của trung ương, địa phương.
Chiều 5/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 14, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, các đại biểu HĐND Thành phố đã biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
I. Danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban HĐND Thành phố, gồm 7 người, cụ thể như sau:
1. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội;
2. Bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội;
3. Ông Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội;
4. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội;
5. Ông Duy Hoàng Dương, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội;
6. Ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội;
7. Bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội.
II. Danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND Thành phố, gồm 21 người, cụ thể như sau:
1 Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội;
2. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội;
3. Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội;
4. Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội;
5. Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội;
6. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội;
7. Ông Trần Thế Cương, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội;
8. Ông Trương Việt Dũng, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội;
9. Ông Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;
10. Bà Đặng Hương Giang, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hà Nội;
11. Bà Trần Thị Nhị Hà, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội;
12. Bà Ngô Minh Hoàng, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.Hà Nội;
13. Ông Đỗ Đình Hồng, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.Hà Nội;
14. Bà Bạch Liên Hương, Ủy viên Ủy ban nhân dân; Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội;
15. Ông Nguyễn Xuân Lưu, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Tài chính TP.Hà Nội;
16. Ông Võ Nguyên Phong, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội;
17. Ông Lê Anh Quân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội;
18. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hà Nội;
19. Ông Nguyễn Phi Thường, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Hà Nội;
20. Ông Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Công an TP.Hà Nội;
21. Ông Ngô Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội.