Dân Việt

Dân một xã ở Nam Định làm nghề "canh trì" mà nhà nào cũng giàu lên

Thanh Hoa 07/12/2023 10:28 GMT+7
Với lợi thế có mạng lưới sông ngòi, kênh mương nội đồng phân bố trên khắp địa bàn, từ lâu nghề “canh trì”-nghề nuôi cá, trong đó có nuôi cá cảnh đã trở thành một trong những nghề chính, đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Mỹ Hưng (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Toàn xã hiện có hơn 30 hộ nuôi thủy sản nội đồng với tổng diện tích khoảng 30ha. Để các hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả, những năm qua, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả ở trong và ngoài huyện. 

Đồng thời mời cán bộ chuyên môn về hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nuôi thủy sản quy hoạch ao nuôi theo tiêu chuẩn, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả và phòng bệnh con nuôi. 

Xã đã quan tâm quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, bảo đảm mở rộng diện tích theo đúng định hướng, tránh việc người dân nuôi tự phát, tràn lan, nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch...

Xã cũng khuyến khích người dân hình thành những vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung theo hướng bền vững, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường sống.

Đồng chí Đặng Công Nam, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc phát triển và nhân rộng vùng nuôi thủy sản tập trung đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa, thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, từng bước tạo ra những sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng”. 

Nhiều hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ các ông: Đặng Văn Mão, Đặng Văn Luyến, Đặng Đình Hải… Hộ ông Đặng Văn Mão có hơn 4 mẫu ao nuôi thủy sản. Trước kia, gia đình ông nuôi thủy sản theo mô hình “cá luồn lúa” nhưng hiệu quả không cao.

Dân một xã ở Nam Định làm nghề "canh trì" mà nhà nào cũng giàu lên - Ảnh 1.

Thương lái về mua giống cá cảnh tại hộ gia đình anh Đặng Đình Hải, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Năm 2003, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phối hợp, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên ông đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất giống cá trắm đen và các loại cá cảnh như: cá chép Koi, cá tam dương, cá vàng… 

Mỗi năm, tổng sản lượng cá cảnh gia đình ông thu hoạch đạt trên 10 tấn, thu nhập trên 300 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với mô hình cá - lúa trước kia. 

Chia sẻ về bí quyết nuôi cá thành công, ông Mão cho biết: “Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên trong quá trình nuôi tôi luôn chủ động theo dõi tình hình sức khỏe của đàn cá để có những biện pháp phòng, chữa trị kịp thời khi cá bị bệnh. Tất cả các ao nuôi đều được vệ sinh và xử lý nước thường xuyên. 

Phải tạo được môi trường trong lành, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để sắp xếp thời gian phù hợp cho cá đẻ. Khi môi trường nước đảm bảo và thời tiết thuận lợi sẽ có nhiều ô-xy để cá có thể nở tốt và đạt tỷ lệ sống cao. 

Thức ăn của cá được tận dụng từ ốc, cám công nghiệp… Đàn cá được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận nên ít khi bị dịch bệnh, phát triển đều. Bên cạnh đó, tôi luôn tìm kiếm, học hỏi trau dồi kiến thức nuôi thủy sản từ bạn bè, các địa phương lân cận cũng như tìm hiểu thị trường để có đầu ra ổn định”.

Còn với hộ anh Đặng Đình Hải có hơn 1 mẫu ao chuyên sản xuất giống các loại cá cảnh như cá Koi, cá chép đuôi dài, cá vàng… Bên cạnh chú trọng kỹ thuật chăm sóc đàn cá và sản xuất cá giống, anh Hải cũng luôn quan tâm tìm hiểu, phát triển thị trường nên việc tiêu thụ sản phẩm rất ổn định. 

Những tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của các hộ nuôi và sản xuất giống cá cảnh ở địa phương, xe cộ khắp nơi đổ về nhập cá. Những ngày này, anh Hải có thể xuất bán từ 1-2 tạ cá/ngày. Ngày thường số lượng cá bán của anh cũng lên đến hàng yến. Thu nhập từ việc nuôi cá cảnh giúp đời sống người dân làng nghề dư dả hơn so với trước. 

Anh Hải cho biết: “Theo tính toán của tôi, một gia đình nếu làm 1 mẫu ao nuôi cá cảnh, sẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm”. Hộ anh Đặng Văn Luyến cũng có hơn 1 mẫu nuôi cá trắm đen và các loại cá nước ngọt truyền thống. 

Anh Luyến cho biết: “Những năm qua, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã đồng hành, giúp đỡ người dân phát triển nuôi thủy sản nội đồng thông qua việc đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ thuật nuôi thủy sản. 

Từ khi hình thành các vùng nuôi tập trung, người dân chúng tôi cũng yên tâm phát triển nghề hơn. Chúng tôi thuận lợi trong việc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh cho cá, cách chăm sóc đàn cá cho hiệu quả…; có thể hỗ trợ nhau trông coi bảo vệ an ninh trật tự khu vực nuôi. 

Thời gian tới, rất mong địa phương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ giúp người dân có thêm động lực để yên tâm phát triển kinh tế thủy sản”.

Với sự quan tâm tạo điều kiện từ chính quyền địa phương, nuôi thủy sản nội đồng đã trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của nhiều hộ dân xã Mỹ Hưng, mang lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về phát triển trồng trọt, chăn nuôi; tạo thuận lợi để các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương.