Phát hiện khảo cổ học quan trọng năm 2009-một mộ cổ hơn 2.000 năm tại Thành Dền ở Hải Phòng

Phạm Quốc Quân-Nguyễn Đình Chiến (Cổng TTĐT Bảo tàng lịch sử quốc gia) Thứ năm, ngày 07/12/2023 06:48 AM (GMT+7)
Đó là phát hiện ngôi mộ cổ Thành Dền, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, ngày 20/10/2009. Chúng tôi xin được phép bỏ qua những miêu tả mang tính chất của một báo cáo khoa học, bởi như thế, sẽ làm mếch lòng những đồng nghiệp Bảo tàng Hải Phòng, cho dù, họ đã cho chúng tôi khá chi tiết thông tin về ngôi mộ này.
Bình luận 0

Chúng tôi xin không đi sâu vào tái hiện hiện vật, bởi đó là những “bản quyền” chưa công bố của người và cơ quan chủ trì, nên dù có thân quen, cũng tự thấy, là việc làm không hay. 

Thế nhưng, trước một phát hiện quan trọng, hấp dẫn, với tư cách là những người làm nghề, không thể không có đôi ba lời bình khi đã được tận mắt chứng kiến ngôi mộ vô cùng đặc biệt này.

1

Mộ quách gỗ hình cũi, bên trong quan tài thuyền là một hiện tượng không nhiều ở Việt Nam, nhưng Thành Dền cũng không phải là biệt lệ. Khảo cổ học đã tìm thấy ở huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa), Tứ Lộc, Cúc Bồ (tỉnh Hải Dương). 

Ở Hải Phòng, có một phát hiện quan trọng và kỳ thú hơn, cách đây gần 40 năm, đó là ngôi mộ Đường Dù, cũng ở huyện Thủy Nguyên, mà quách mộ được xây gạch cuốn vòm, trong đặt quan tài thuyền, với bộ di vật đồ làm gỗ sơn khá phong phú, chứng minh chủ nhân mộ là người thợ thủ công. 

Kiểu quách gạch trong quan tài thuyền còn thấy ở Thiên Khánh (tỉnh Hải Dương). Vậy nên phát hiện mộ Thành Dền được xem là phát hiện quan trọng của Hải Phòng và là một phát hiện hiếm hoi ở Việt Nam.

2

Mộ Thành Dền có niên đại đầu Công nguyên, cách ngày nay 2000 năm và cùng nằm trong phức hợp mộ của thời đại này. Thế nhưng, sự dị biệt của ngôi mộ trong cấu trúc và đồ tùy táng so với đồng loại, đã bổ sung cho nhận thức về táng tục Việt Nam nói chung và táng tục đầu Công nguyên nói riêng.

Bổ sung trước hết, đó là kết cấu mộ. Kiểu ghép quách mộ bằng những tấm gỗ dầy, rộng bản, cùng với nền mộ được gia cố bằng đất sét trắng nện, phẳng như bê tông đều là những tư liệu hoàn toàn mới, thể hiện một xu hướng tiết kiệm, không lát gỗ sàn quách, do địa hình nơi đặt mộ phần là đồi gò La te rít. Trong khi ấy, mộ Tứ Lộc, Cúc Bồ, Ngọc Lặc quách được lát bằng phiến gỗ lớn, như là nền móng, khi mộ được táng ở vùng đầm lầy ô trũng.

Việc đưa mộ phần lên đồi gò cũng là biệt lệ của loại hình mộ phần này. Phải chăng, đó là sự thay đổi quan niệm, thói quen hay truyền thống táng thức vốn có? Phải chăng đó là hiện tượng liên quan đến tín ngưỡng phong thủy, khi đằng sau là núi, đằng trước là sông Đá Bạc, cách phần mộ khoảng 60, 70 m?

Đưa mộ lên đồi, nhằm đổi thay địa hình chôn cất truyền thống đầm lầy, nhưng vẫn đem theo bùn đất đầm lầy đổ đầy vào huyệt mộ, phải chăng như một sự gợi nhắc về một truyền thống không thể lập tức dứt bỏ, khi chủ nhân mộ lúc sống luôn gắn chặt với sinh thái đầm lầy, để rồi, ước nguyện thu nhỏ sinh thái ấy xuống cõi âm? 

Cũng có thể, việc đưa bùn đầm lầy lên trên đồi, bởi lý do kỹ thuật, khi người xây cất mộ muốn bùn đất giữ độ ẩm cho mộ phần khỏi mối xông? Phần mộ luôn là một vấn đề hệ trọng bậc nhất trong đời sống tâm linh của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng.

Quan tài hình thuyền, gồm hai nửa thân cây khoét rỗng lòng, úp vào nhau không bằng mộng mà bằng dây rừng tết, ghìm buộc hai nửa với nhau. Nút ghìm là những “con nín” bằng gỗ, tạo hình tượng người. Trong mộ Thành Dền còn thấy 4 pho, với cách chế tác thô phác, hiện đại, bằng đôi ba nhát rìu đẽo, phạt điêu luyện, tạo nên những bức tượng tròn, hao hao giống tượng nhà mồ Tây Nguyên. 

Dù với chức năng “con nín” là chính, thì những tượng người trong mộ gợi nhắc về một phong tục trông mộ, giống như việc trông mộ ở nhà mồ của một số dân tộc Tây Nguyên. 

Đây như là một trong nhiều tư liệu để tìm hiểu mối dây liên hệ giữa nghệ thuật tín ngưỡng hậu Đông Sơn và nghệ thuật tín ngưỡng Ê Đê, Ba Na, Kơ Tu…, mà đã được nhiều học giả trong và ngoài nước nêu ra.

img
img

Quan tài mộ cổ Thành Dền, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Trong mộ có 30 quả cau và những lá trầu (trầu đã bị khô, dính vào gỗ) đặt trên những mâm gỗ ba chân, lại một lần nữa chứng minh tục ăn trầu nhuộm răng đen của cư dân Việt cổ có từ 2000 năm trước, đồng thời, vị trí của quả cau, lá trầu trên đài thờ khẳng định sự trường tồn của tục thờ cúng liên quan tới trầu cau mà ngày nay vẫn phổ biến.

Đồ tùy táng trong mộ hoàn toàn là đồ gốm, đồ gỗ sơn có phong cách, chất liệu và kiểu dáng thuần Việt, hẳn sẽ là tài liệu quý để so sánh mộ Thành Dền với đồng loại, đặng làm rõ hơn mối quan hệ giao lưu nhiều chiều, hay sự gìn giữ bản sắc của chủ nhân ngôi mộ này, mà tư liệu hiện chưa cho biết đó là ai?
Phát hiện Khảo cổ học quan trọng-một mộ cổ hơn 2.000 năm ở Thành Dền ở Hải Phòng - Ảnh 2.

Đồ gốm cổ mộ cổ Thành Dền, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Thành Dền là một địa danh có liên quan khá chặt chẽ tới Khảo cổ học thời đại đồng thau Việt Nam, theo đó, Thành Dền thường gắn với những trung tâm lớn đương thời. 

Việc phát hiện ngôi mộ như là một báo dẫn quan trọng để mở rộng khảo sát, nhằm làm sáng rõ hơn địa danh Thành Dền nói chung và xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng nói riêng.

Mộ cổ Thành Dền chắc chắn còn nhiều thông tin lý thú nữa nhưng phải chờ chỉnh lý và báo cáo khai quật. Đôi ba điều bình luận, mang tính gợi mở, mong được những người quan tâm cùng luận bàn để những công trình khai quật về mộ táng nói riêng, khảo cổ học nói chung có nhiều sự quan tâm của xã hội, của các nhà nghiên cứu.

Phạm Quốc Quân-Nguyễn Đình Chiến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem