Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm, Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) Nguyễn Duy Vụ cho hay, năm 2005, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa giống gà Mía vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn.
Đến nay, công ty trở thành cơ sở lớn nhất miền Bắc về chăn nuôi, sản xuất gà Mía với 10.000 con gà giống gốc thuần, được chăm sóc theo quy trình đặc biệt tại trang trại 11ha, xa khu dân cư ở huyện Ba Vì và có khu lò ấp được đầu tư máy móc hiện đại, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 2 triệu con giống gà Mía... Các giống gà Mía bản địa được người dân mua về sản xuất thành giống gà thương phẩm, cho giá trị kinh tế cao.
Cùng với giống gà Mía, nhiều hộ dân ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) cũng đang bảo tồn và phát triển cây nhãn chín muộn. Theo ông Nguyễn Văn Thành - người dân ở xã Đại Thành, năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện tại, gia đình ông có 120 gốc nhãn chín muộn, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 30-35 tấn quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản trên địa bàn thành phố. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho 40 sản phẩm nông sản chủ lực. Ngoài ra, thành phố còn phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong đó, ưu tiên lựa chọn và phát triển những sản phẩm có lợi thế, nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới.
"Một số sản phẩm nông sản của thành phố Hà Nội có chất lượng cao không chỉ tiêu thụ mạnh ở trong nước, mà còn xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai) xuất khẩu đi các nước Mỹ, Australia, Malaysia; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu sang Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...", ông Tạ Văn Tường thông tin thêm.
Hiện tại, nhiều loại nông sản của thành phố Hà Nội đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình phát huy hiệu quả các loại nông sản địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực sản xuất ở quy mô nhỏ, manh mún, thiếu tính liên kết. Một số hộ dân chưa chú trọng vào khâu sản xuất, ghi chép sổ sách, nhật ký để truy xuất nguồn gốc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm…
Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, toàn TP Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa)…
Để các sản phẩm nông sản địa phương ngày càng được nâng tầm và vươn xa hơn nữa, đòi hỏi mỗi người dân phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, ứng dụng khoa học, công nghệ. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện, hợp tác xã đang sản xuất và mở rộng vùng trồng cây bưởi Diễn, một loại cây ăn quả đặc trưng của Hà Nội.
Song, để các loại nông sản địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã về vốn, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến, thu hoạch sản phẩm. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ canh tác cho nông dân; hỗ trợ hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, đưa những loại đặc sản địa phương vào kênh phân phối hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho hay, huyện Ứng Hòa khuyến khích các hộ sản xuất, hợp tác xã nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngày 25/2/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, đối với nhóm nông sản địa phương, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế cạnh tranh của những nông sản chủ lực được lựa chọn.