Thứ vàng ròng này chảy là làng ở Ninh Thuận, măng tây xanh-rau vua tốt bời bời, cừu, dê đẹp hẳn
Nước ngọt về thôn, xã Ninh Thuận, nông dân xem như "vàng", trồng rau vua, nuôi cừu, làm giàu
Mai Phương - Thanh Tùng
Thứ tư, ngày 13/12/2023 18:50 PM (GMT+7)
Nước ngọt từ các công trình thủy lợi đã về nhiều vùng quê Ninh Thuận giúp giải tỏa "cơn khát" về nước sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trên các cánh đồng, cây măng tây xanh-thứ rau xanh bổ dưỡng ví như "rau vua" thêm tốt tươi, đàn gia súc, trong đó có đàn cừu có thêm nguồn nước uống, thức ăn xanh, giúp nông dân làm giàu...
Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa trung bình năm ít nhất cả nước, thường xuyên xảy ra hạn hán kỷ lục, gây nên những thiệt hại lớn về người và của.
Mùa khô kéo dài trong năm, khu vực khu hạn ngày càng mở rộng, tình trạng nguồn nước nhiễm mặn, thất thu nông sản là "chướng ngại vật" rất lớn cho sản xuất nông nghiệp nơi đây.
Trước đây, nhiều địa phương tại Ninh Thuận là vùng bán sa mạc. Đất cát, thiếu nước tưới tiêu cộng với cái nắng gay gắt của mùa khô kéo dài là nỗi ám ảnh thường trực của những người nông dân.
Vì vậy, dù có điều kiện tự nhiên phù hợp để canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây măng tây, nho, táo... nhưng bà con nông dân không thể phát huy được tiềm năng nông nghiệp.
Hiểu được những bất cập bao năm nay trong canh tác, sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng mạng lưới thủy lợi, hồ chứa nước, trạm bơm, thi công kênh lắng bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng hệ thống quản trị nguồn nước hiệu quả, hiện đại.
Điển hình, tỉnh Ninh Thuận đã tham gia vào Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung (pha 2), đầu tư xây dựng phát triển đô thị vừa và nhỏ, triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng liên thông, đa mục tiêu…
Dự án Xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước
Tại dự án này, tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ lợi tưới tiết kiệm nước phù hợp vùng khô hạn để sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị gia tăng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, gồm: sửa chữa Đập dâng Tuấn Tú; thi công kênh lắng với dung tích chứa 10.000 m3; xây dựng 01 Trạm bơm cấp 1 và 1 Trạm bơm cấp 2...
Dự án còn gồm thi công xây dựng 15 bể với dung tích mỗi bề 500m3; hệ thống tuyến ống HDPE có chiều dài 9,643 km; chợ đầu mối; hệ thống đường dây và Trạm biến áp; thiết lập được chuỗi liên kế giữa người sản xuất – Hợp tác xã – Doanh nghiệp bảo đảm các đơn vị hoạt động hiệu quả và bền vững, tạo thương hiệu và lòng tin cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người tham gia sản xuất tăng lên trên 1,3 lần.
Theo ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho hay: "Trong những năm 2015 – 2019 rất là hạn hán, bà con nông dân quá trình tổ chức sản xuất bị nhiễm mặn. Trên cơ sở được Chính phủ vào thăm và làm việc với Ninh Thuận về cấp độ hạn tại cấp độ 3 thì đồng ý cho chủ trương là mở rộng vùng đất này theo Dự án Nông thôn tổng hợp miền Trung.
Sau khi được đầu tư hỗ trợ một trạm bơm cấp 1, cấp nước từ đập Tuấn Tú lên dọc vùng đất thôn Tuấn Tú này thì người dân đã chuyển sang trồng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây măng tây xanh với diện tích 300 ha."
Video: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận bên cánh đồng trồng măng tây xanh-thứ "rau vua" chia sẻ về những đổi thay trên quê hương, khi có nguồn nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt.
Là địa phương có diện tích trồng cây măng tây nhiều nhất của tỉnh, xã An Hải luôn xác định đây là loại cây trồng chủ lực và tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây măng tây có định hướng bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Hiện xã An Hải chủ yếu trồng cây măng tây giống từ Hà Lan bởi đây là giống cho năng suất cao và chất lượng tốt, cây trồng một lần nhiều năm sau mới phải trồng lại.
Ông Não Văn Xây (người dân xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ biết trồng hành, cải, đậu phộng… nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2017, khi chuyển sang trồng sang cây măng tây, tôi không phải cày đi xới lại, thu nhập tăng lên, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều."
Đối với các hộ dân xã An Hải, cây măng tây có giá bán cao, được thị trường ưa chuộng, công chăm sóc ít, thu hoạch gần như quanh năm.
Trung bình cứ 1 ha cây măng tây cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày, bán ra thị trường giá khoảng 50.000/kg. Như vậy, ước lượng mỗi ha măng tây trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân có lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, trên địa bàn xã còn có nhiều mô hình măng tây được trồng theo hướng an toàn, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị cho cây măng tây. Nhiều mô hình măng tây xanh đã tạo được sự liên kết bền chặt theo hướng đôi bên cùng có lợi giữa các xã viên với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Video: Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chia sẻ cách làm trang trại nông nghiệp hữu cơ, trong đó có trồng "rau vua"-măng tây xanh.
Điển hình là sự liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú với Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến. Theo ông Hùng Ky – Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chia sẻ: "Trong quá trình canh tác, Ban Giám đốc HTX và kỹ thuật phải quản, phải bảo vệ các thành viên mình, tập huấn thành viên rất kỹ càng. Sợ nhất là bên siêu thị kiểm tra hàng không đạt.
Được cái là 5 – 7 năm nay, HTX chưa dính lần nào, siêu thị test thuốc bảo vệ thực vật toàn đạt, nhờ đó bà con yên tâm trồng trọt, sản xuất."
Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có hơn 200 ha măng tây xanh, được trồng nhiều nhất ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Cây măng tây xanh được xem là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao.
Dự án Cải tạo, nâng cấp kênh Chàm và đường giao thông kết hợp quản lý kênh Chính Nam
Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống các kênh dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các vùng được hưởng lợi.
Nằm trong Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung (pha 2), tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 4,604 km kênh, 13,97 km đường giao thông kết hợp quản lý kênh Chính Nam, các công trình trên kênh Chàm...
Dự án với các công trình trên đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và xoá đói giảm nghèo, tăng cường phát triển bền vững kinh tế - xã hội, sinh thái – môi trường cho 10.000 nhân khẩu thuộc 3 xã: Phước Sơn, Phước Hậu, Phước Thuận, huyện Ninh Phước.
Theo chị Huỳnh Thị Thuý – Trưởng thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) chia sẻ: "Trước năm 2016, kênh mương chưa có bê tông hoá, nhân dân đi lại vất vả, không thuận tiện, nguồn thu nhập rất thấp vì nước tưới tiêu không được thuận lợi. Khi không cần nước thì nước tràn qua, còn đến khi cần nước thì lại không có nước để tưới.
Đến năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ kênh mương Chàm, tới nay bà con nông thôn trồng táo rất là hiệu quả, vận chuyển hàng hoá, vật tư lưu thông, nước tưới tiêu ổn định, nâng mức kinh tế, đời sống người dân cao hơn các năm trước. Bà con nông dân rất là ngưỡng mộ, cám ơn Nhà nước quan tâm đã cho bà con hưởng lợi từ kênh Chàm, nguồn thu nhập của nông dân cao hơn vì tưới hiệu quả mà tiêu cũng hiệu quả luôn."
Ở huyện thuần nông Ninh Phước - vùng trồng nho bậc nhất ở tỉnh Ninh Thuận trước đây, nay cây táo đã dần thay thế trong những vườn nho đã thoái hóa. Là loại cây dễ trồng, rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao, cây táo được nông dân ở đây trồng rộng khắp, dần trở thành cây trồng chủ lực của nhiều đơn vị xã.
Ông Nguyễn Ngọc Quang (người dân xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) cho hay: "Ngày xưa, khi chưa có kênh Chàm thì đây là vùng trũng ngập nước, chỉ có trồng lúa, mà lúc chưa có đường thì lúa làm thủ công, cắt gánh bằng tay, năng suất không có.
Nhờ có kênh Chàm lên thì nước non đầy đủ, bà con nông dân chuyển sang trồng cây táo, đây là loại cây có bông, có trái tuỳ thuộc vào con người.
Trước đây khi trồng nho thì lao đao lắm, lệ thuộc thời tiết rất nhiều, nước ra cũng thời tiết, đậu trái cũng thời tiết, chín cũng thời tiết.
Nhờ vào cây táo, lợi nhuận lên rất nhiều, ít tốn công chăm sóc, năng suất bình quân 3,5 tấn/sào/năm, nông dân nhàn, thời gian rảnh có thể đi làm thêm công việc khác kiếm thêm thu nhập."
Với giá táo tiêu thụ như hiện nay từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi mùa thu hoạch táo, nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Táo Ninh Thuận được tiêu thụ rộng khắp ở các tỉnh thành trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, đồng thời được xuất sang Trung Quốc.
Với gần 1.000 ha táo đang trong thời kỳ thu hoạch, mỗi ngày Ninh Thuận cung cấp ra thị trường khoảng từ 60 - 80 tấn táo.
Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (WEIDAP)
Từ những dự án đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) triển khai Dự án WEIDAP/ADB8 với mục tiêu đưa vùng đất khô hạn Phước Nhơn – Thành Sơn, Nhơn Hải – Thanh Hải thuộc khu tưới của hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi được thiết kế ban đầu cho canh tác lúa, đảm bảo cấp nước cho 2.800 ha nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước do biến đổi khí hậu, hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao giúp tăng thu nhập, cải thiện sinh kế và mức sống của 69.600 người dân.
Đồng thời, dự án còn hỗ trợ giám sát cung và cầu nước, tăng cường thể chế để quản lý phân bổ nước cũng như lập kế hoạch hạn hán và lập kế hoạch khẩn cấp để quản lý các đợt hạn hán khắc nghiệt hơn.
Dự án được phân chia thành 4 gói thầu xây lắp, với diện tích đất thu hồi gần 69 ha. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2018 đến ngày 31/12/2025. Đến hiện tại, trình tự các bước đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư) triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.