Ông Hưng cho rằng, kiện phòng vệ thương mại (PVTM) là biện pháp được WTO cho phép để điều tra hoặc rà soát các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường có hoặc có dấu hiệu phá giá, trợ cấp và lẩn tránh thuế. Đây là thông lệ thương mại bình thường mà mọi ngành hàng xuất khẩu Việt Nam có thể đối diện và sống chung. Đồng thời, kiện PVTM không phải là cách áp đặt mà phải dựa trên luật pháp, quy định của WTO và nếu có đủ cơ sở, bằng chứng, doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt đủ sức vượt qua, sống tốt.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, hơn nữa Việt Nam luôn là nước có được thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố cách đây vài ngày, trong 10 tháng 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 94,5 tỷ USD và nhập khẩu của Hoa Kỳ khoảng 8 tỷ USD.
Ông Hưng cho hay, cho đến nay, tốc độ xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm so với năm 2022 khoảng 13%, nhưng biên độ cũng như thu hẹp tốc độ tăng trưởng giảm đáng kể. Như vậy, Việt Nam đang lấy lại đà xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 10 tháng năm 2023 là khoảng 80,6 tỷ USD, Việt Nam là nước đứng thứ 3 xuất khẩu sang Hoa Kỳ đứng sau Trung Quốc và Mexico và là đối tác thương mại thứ 7 với Hoa Kỳ.
Do vậy, biện pháp phòng vệ thương mại luôn luôn song song với hoạt động xuất khẩu, vì vậy, xuất khẩu càng tăng thì nguy cơ bị kiện cũng tăng theo. Hoa Kỳ là thành viên WTO và là quốc gia thường xuyên điều tra với tất cả các hàng hoá với Việt Nam, trong đó có chống bán phá giá, chống trợ cấp...
Thông tin về vụ việc tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang bị khởi kiện, Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cho biết hiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra về trợ cấp trên cơ sở hồ sơ của các nguyên đơn, từ các mặt hàng có giá trị thấp, ưu đãi đầu tư, ưu đãi về lãi suất ngân hàng và các chương trình xúc tiến thương mại.
Khác với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại khác, trong quá trình điều tra, Hoa Kỳ yêu cầu Chính phủ cung cấp thông tin. Với doanh nghiệp, Bộ thương mại Hoa Kỳ yêu cầu cung cấp thông tin về việc có hưởng chính sách ưu đãi hay không? Qua đó, vụ việc để các doanh nghiệp lựa chọn và xem xét một cách nghiêm túc vụ việc mà Cục Phòng vệ thương mại đã nêu và hợp tác đầy đủ với cơ quan Điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Thông thường vụ việc này sẽ kéo dài từ 12 – 15 tháng.
Ngoài mật ong, cá tra, ba sa và tôm là sản phẩm đầu tiên bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, cho nên từ đó đến nay, hằng năm cá tra, ba sa của Việt Nam đều bị Hoa Kỳ vẫn yêu cầu rà soát để điều tra chống bán phá giá.
"Đối với tôm hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam phải trải qua 18 cuộc rà soát lớn, còn cá tra, basa là 19 vụ rà soát. Đối với tôm của Việt Nam, ngày 25/10 vừa qua DOC nhận đơn kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm này, ngày 21/11 DOC đã đăng thông báo chính thức điều tra chống bán phá giá với 40 chương trình bị điều tra. Đây là vụ việc khá lớn, được nhiều người quan tâm", Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin.