Bà Phan Thị Thắng – Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương gợi ý như thế tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ tổ chức tại Bình Dương, ngày 13/12.
Hội nghị Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ có chủ đề: Tận dụng cơ hội – Vững bước tiến mới.
Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức nhằm triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, việc liên kết có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh toàn vùng.
Trước đây, khi chưa có Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam bộ, xuất khẩu hàng hóa của vùng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, các tỉnh thành còn cạnh tranh nội bộ lẫn nhau.
Sau khi có Nghị quyết 24, Hội đồng vùng Đông Nam bộ hoạt động liên tục, ở nhiều địa phương, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp nhìn nhận đưa ra giải pháp khắc phục các yếu kém.
Với chủ đề xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, ông Phương chia sẻ, có gần 2.000 văn phòng đại diện các nước, các hiệp hội thương mại như AmCham, EuroCham... đặt tại Đông Nam bộ.
"TP.HCM đã tiếp cận và có những kết quả bước đầu. Còn lại, các tỉnh thành khác hầu như chưa khai thác hiệu quả kênh này để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu", ông Phương nói.
Theo Bộ Công Thương, Đông Nam bộ là khu vực kinh tế phát triển nhất ở Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hằng năm. Đông Nam bộ có dân số đông và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, GDP...
11 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ đạt hơn 200,5 tỷ USD, chiếm gần 32,4% thương mại của Việt Nam.
Bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, vai trò, vị trí của Đông Nam bộ là rất lớn. Thế nhưng, sự đóng góp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của toàn vùng.
Theo bà Thắng, mỗi một vùng, mỗi một mô hình phát triển có cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường khác nhau. Trong mỗi vùng lại có sản phẩm đặc thù cần chăm chút. Đông Nam bộ không chỉ có lợi thế về nông lâm thủy sản mà còn có thế mạnh về sản phẩm công nghiệp.
Chia sẻ quan điểm của Sở Công Thương TP.HCM, bà Thắng cho biết, các tỉnh Đông Nam bộ cần nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do, Nghị quyết 24, và các lợi thế nội tại của vùng để tìm kiếm cơ hội.
Vùng Đông Nam bộ không chỉ xuất khẩu sản phẩm của vùng mà có thể xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm của tất cả các vùng khác trong cả nước đưa về đây để chế biến.
"Bộ Công Thương mong các địa phương trong vùng phải tính toán và liên kết với nhau, đưa ra được thế mạnh của vùng Đông Nam bộ. Thế mạnh này không giúp cho vùng mà còn kéo cả nền sản xuất của cả nước đi lên", Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị.