Sáng ngày 14/12, Phòng LĐTBXH TP.Thanh Hóa phối hợp với BHXH tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách giảm nghèo năm 2023.
Ông Hoàng Văn Tuấn - Phó trưởng Phòng LĐTBXH TP.Thanh Hóa cho biết, đây là một trong nhiều hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch số 597/KH - UBND thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn TP.Thanh Hóa.
Tham dự hội nghị đối thoại có hơn 170 đại biểu, trong đó có 40 cán bộ làm công tác giảm nghèo tại tổ dân phố, thôn và 137 hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo trên địa bàn các phường, xã Tào xuyên, Long Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại.
Ông Tuấn nhận định, trong những năm qua công tác an sinh xã hội luôn được chăm lo. Thời điểm đầu của giai đoạn giảm nghèo năm 2021, thành phố có 172 hộ nghèo, tỷ lệ 0,18%, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bình quân giảm 0,03%.
Đầu năm 2018 tăng 18 hộ nghèo là đồng bào sinh sống trên sông, hộ nghèo thành phố là 190 hộ. Đến cuối năm 2022 đã giảm còn 137 hộ, vượt 0,02% chỉ tiêu nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố.
Năm 2023 hộ nghèo tỉnh giảm từ 137 hộ (chiếm 0,13%) xuống còn 68 hộ (chiếm 0,06%) vượt chỉ tiêu được tỉnh giao.
Ông Tuấn cũng cho biết công tác giảm nghèo trên địa bàn trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, nên tốc độ giảm nghèo của thành phố nhanh, bền vững. Điều này góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân.
Nhiều các chính sách giảm nghèo như: Mua BHXH; BHYT; vay vốn tín dụng; đào tạo nghề... cho hộ nghèo được lồng ghép triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện chế độ an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Phòng LĐTBXH TP.Thanh Hóa phối hợp với phòng nghiệp vụ chuyên môn tổ chức hội nghị đối thoại công tác giảm nghèo năm 2023. Theo đó, Phòng LĐTBXH sẽ tổ chức 2 hội nghị đối thoại công tác giảm nghèo năm 2023, tại UBND xã Hoằng Quang và UBND phường Quảng Phú (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trong 2 ngày là ngày 14 và ngày 15/12.
Ngoài ra, thời gian qua, thành phố cũng thực hiện chính sách thăm hỏi, hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ví dụ hỗ trợ tặng quà Tết từ 500.000 - 1.000.000 đồng/hộ, đang tiến hành rà soát thông tin về hộ nghèo để lấy thông tin, hướng tới tặng quà Tết cho bà con người nghèo trên địa bàn.
Tham gia buổi đối thoại, ông Lê Đình Ngọc - Trưởng phố 1 phường Long Anh (TP.Thanh Hóa) chia sẻ khó khăn trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo. Ông Ngọc nói hiện nay việc làm thủ tục, hồ sơ, điều tra, rà soát hộ nghèo rất khó, vất vả. Hiện địa phương không còn hộ nghèo, chỉ còn hộ cận nghèo nhưng chủ yếu rơi vào diện người già cô đơn, với hộ không còn sức khỏe.
"Hiện nay chính sách hỗ trợ không nhiều, đối tượng không được vay vốn nên "thiếu" kênh thoát nghèo. Địa phương phải chủ động giới thiệu cho hộ nghèo tham học nghề làm nem, gói nem... tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo", ông Ngọc nói.
Ông Hoằng Văn Phương - Trưởng thôn Nguyệt Viên 2, xã Hoằng Quang đã đóng góp ý kiến vào buổi đối thoại. Ông Phương cho biết hầu hết hộ nghèo, cận nghèo là người già cả, người tàn tật, người cô đơn nhưng hiện nay chính sách hỗ trợ ít hoặc không có. Mức hỗ trợ tiền cũng chỉ ngang với các đối tượng khác, ông kiến nghị nâng chính sách hỗ trợ, trợ cấp cho nhóm này cao hơn.
"Trước kia các trường hợp cô đơn, không nơi nương tựa đều được hỗ trợ nhưng nay bị cắt, chúng tôi kiến nghị có thể cấp lại cho nhóm này, vì nhóm hộ nghèo này quá khó khăn", ông Phương nói.
Còn ông Lê Công Thành - Tổ trưởng Tổ nghĩa Sơn 1, phường Tào Xuyên thì cho rằng chủ trương giảm nghèo là nhân văn, nhưng hiện nay mức thu nhập bình quân đầu người để đánh giá, bình xét hộ nghèo tăng cao, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho công tác giảm nghèo.
"Mang tiếng là thành phố, nhưng các hộ nghèo làm gì có thu nhập. Nay quy định hộ nghèo ở đô thị phải có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng là cao", ông Thành nói.
Ông Thành cũng kiến nghị chính quyền, nhà nước nên có chế độ hỗ trợ phù hợp vì ở nông thôn, miền núi bà con được hỗ trợ trâu bò, lợn gà, nhưng thành phố không có đất, cần cơ cơ chế hỗ trợ vay vốn để hộ nghèo làm ăn buôn bán...
Ông Tào Nguyên Hùng - Tổ 2 phường Tào Xuyên 2 cho hay, địa phương còn 1 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Ông Hùng ý kiến nên nâng mức hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo. "Với mức hỗ trợ 40-50 triệu đồng như hiện nay thì quá ít, không đủ điều kiện để bà con xây, sửa nhà. Hộ nghèo không thể vay mượn xoay sở tiền thêm được nên dù có trong diện hỗ trợ nhiều người nghèo vẫn không thể tiếp cận được chính sách", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng mức hỗ trợ 70% mua thẻ BHYT là chưa cao. Vừa qua đối tượng cận nghèo mua thẻ BHYT với giá 290.000 đồng/thẻ nhưng nhiều người vẫn không có tiền để mua.
Bà Tào Thị Hòa ở phường Tào Xuyên - là một phụ nữ khuyết tật, đơn thân thuộc hộ nghèo tham gia đối thoại. Bà Hòa nói, mặc dù có hoàn cảnh éo le, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay bà không được hưởng bất cứ khoản trợ cấp nào.
"Hoàn cảnh khó khăn, tiền không có nhưng nghe hướng dẫn phải vay hơn 1,7 triệu đồng đi giám định nhưng về tôi lại không được hưởng chế độ. Tôi rất buồn, tôi chỉ muốn hỏi hoàn cảnh như cá nhân tôi có được hưởng chính sách ưu đãi gì không?", bà Xuyên hỏi.
Đại diện cho cán bộ tổ dân phố, ông Nguyễn Văn Thuộc - cán bộ tổ dân phố xã Hoằng Quang - cho biết hiện nay chính sách giảm nghèo khá đầy đủ. Từ vay vốn, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm... nhưng không phải hộ nghèo nào cũng nắm được thông tin.
"Thực tế không phải là không được vay vốn mà vì người nghèo trình độ hạn chế, sức khỏe không có... hoặc có vay thì chỉ đứng tên vay hộ cho con cháu, nên việc xác nhận vay vốn rất khó. Cán bộ tín dụng theo dõi biết điều đó, nên khi có làm hồ sơ cho vay cũng không dám ký. Vì vay bà con không biết làm gì, vay để ăn không thì không được", ông Thuộc nói.
Trả lời những câu hỏi, kiến nghị của người nghèo về việc thực hiện chính sách mua BHYT, ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó phòng quản lý thu sổ thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng, người cận nghèo muốn mua BHYT chỉ cần đóng thêm 290.000 đồng. Tuy nhiên, nếu số tiền đóng lớn, hộ cận nghèo có thể tách nhỏ số tiền đóng từ 3 tháng hoặc 6 tháng.
Ông Mạnh cũng thông tin, UBND tỉnh vừa có quyết định giai đoạn tới sẽ hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo. Theo đó, các đối tượng chỉ phải đóng 15% giá trị mua thẻ (khoảng 145.000 đồng), tính theo tháng, mỗi tháng người cận nghèo chỉ phải bỏ ra hơn 10.000 đồng.
Trả lời về chính sách tín dụng cho người nghèo, bà Đỗ Thị Thịnh - Phó trưởng Phòng kế hoạch nghiệp vụ cho biết, với đối tượng người nghèo phải đảm bảo điều kiện: Có phương án kinh doanh, có sức khỏe.
"Ngoài các chương trình cho cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ngân hàng còn cho va các gói học sinh sinh viên, đi XKLĐ... lãi suất dao động từ hơn 6% đến 7,9%", bà Thịnh nói.
Kết lại Hội nghị đối thoại, ông Tuấn cũng giải đáp nhiều câu hỏi về các nhóm chính sách BHYT; chính sách vay vốn; chính sách thụ hưởng trợ giúp xã hội người khuyết tật thuộc hộ nghèo....
"Việc nhà nước cắt bỏ trợ cấp với người khuyết tật; người cô đơn không nơi nương tựa thuộc hộ nghèo có trong quy định, địa phương không thể làm khác được", ông Tuấn nói.