Ngân sách trung ương đã phân bổ được hơn 12.000 tỷ đồng giảm nghèo
Vừa qua, Bộ LĐTBXH tổ chức họp báo thông tin thực hiện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2023.
Thông tin về công tác của ngành lao động nói chung trong đó có hoạt động giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐTBXH) cho biết, thời gian qua Bộ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó, tập trung giải ngân vốn của Chương trình năm 2023. Đồng thời, Bộ cũng hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2023.
Năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng. Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm 2023 là 1.410,892 tỷ đồng đạt 26%, ước giải ngân đến hết tháng 9 năm 2023 là 4.007,572 tỷ đồng (trong đó 2.019,514 tỷ đồng thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang đạt 60%, 1.988,059 tỷ đồng thanh toán kế hoạch vốn giao trong năm 2023, đạt 37%.
Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước trên 20.000 tỷ đồng. Bộ cũng có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Ước thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2023 tổng dư nợ đạt 321.648 tỷ đồng.
"Ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu", ông Thanh nêu.
Tốc độ giảm nghèo vẫn chậm, đầy thách thức
Báo cáo về kết quả giảm nghèo trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH cũng chỉ rõ, tuy công tác giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2022. Tuy nhiên, thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn ở phía trước khi phần lớn hộ nghèo vẫn còn thiếu sinh kế, giảm nghèo cũng chưa thật sự bền vững...
Kết quả Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1% so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81% trong giai đoạn 2016-2022.
Ngày 17/10 hàng năm đã được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là Ngày Quốc tế xóa nghèo. Tại Việt Nam, Tháng cao điểm "Vì người nghèo" cũng diễn ra từ ngày 17/10 đến 18/11/2023. Chặng đường giảm nghèo trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo.
Kết quả thực hiện giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số cũng đạt được những bước tiến. Khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khá lớn nhưng đã được thu hẹp dần dưới tác động của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo.
Đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện.
Để thúc đẩy chương trình giảm nghèo hiệu quả, thực chất, lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã đề ra 6 giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững.
Theo đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030, tiếp tục ưu tiên nguồn đầu tư để đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.
Đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thứ ba, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.
Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đồng thời tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế.
Thứ năm, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo.
Đại diện BộLĐTBXH đề xuất cần nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực hiện giảm nghèo. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2022/TT- BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý CTMTQG liên thông với Hệ thống giám sát, đánh giá CTMTQG.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.