Theo TS. Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT, TP.HCM còn khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp. Con số 50% tưởng là lớn, nhưng diện tích rừng ngập mặn ở Cần Giờ đã chiếm hết 30%. 20% đất canh tác còn lại lại phân bổ rời rạc, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Vì thế, TP.HCM tập trung phát triển nông nghiệp đô thị. Nhưng đặc thù của nông nghiệp đô thị gắn liền ứng dụng công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao cần có vốn và các công trình phụ trợ.
TP.HCM không thiếu vốn để hỗ trợ các cá nhân, tập thể sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi đang gặp vướng ở luật đầu tư công. Tương tự, việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp đang vướng ở khâu chính sách.
Việc chủ trương kêu gọi nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đô thị nhưng các khó khăn chưa được giải quyết thì tính hiệu quả sẽ không cao như mong đợi. Cả 2 vấn đề vốn và công trình phụ trợ đang được TP.HCM tìm cách tháo gỡ sớm.
Một giải pháp quan trọng nữa để phát triển chương trình nông nghiệp đô thị TP.HCM chính là giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì thế, ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm tới những chủ đề nghiên cứu khoa học của các viện, trường.
Theo TS. Hiệp, các nghiên cứu này cần tiến thêm một bước nữa là đánh giá hiệu quả thực tế. Vì mô hình công nghệ cao nếu chỉ mới thành công từ phòng thí nghiệm vẫn chưa đảm bảo khắc phục các rủi ro khi sản xuất đại trà.
Một trong những nội dung quan trọng tại Tuần lễ Tuần lễ Khoa học Công nghệ năm 2023 do Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức mới đây là Lễ ký kết hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM và Sở NNPTNT TP.HCM.
Trong việc gắn kết hợp tác với các viện, trường; TS. Hiệp cho biết ngành rất quan tâm đến việc đưa khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực, như rau an toàn, cây kiểng, cá cảnh, bò, heo và tôm.
Vì thế, Sở NNPTNT mong muốn các viện, trường tập trung hỗ trợ để phát triển sâu hơn về kỹ thuật canh tác có ứng dụng công nghệ cao; sơ chế, bảo quản và tạo ra các sản phẩm có giá trị thương mại.
TP.HCM cũng đang tập trung phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. "Các chủ thể OCOP cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ từ phía viện, trường để làm ra sản phẩm có tính chuyên nghiệp hơn, bao bì sản phẩm đẹp mắt hơn, và gắn chặt nhu cầu thị trường", TS. Hiệp chia sẻ.
PGS.TS.Nguyễn Tất Toàn – Phó hiệu trưởng Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM, cho biết Tuần lễ Khoa học Công nghệ năm 2023 nhằm tổng kết và định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ của nhà trường trong giai đoạn sắp tới.
Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Đại Học Nông Lâm dựa trên các nền tảng là khoa học sự sống; kỹ thuật, công nghệ; và khoa học kinh tế xã hội.
Tại Tuần lễ Khoa học Công nghệ năm 2023, việc ký kết hợp tác giữa nhà trường và các đơn vị, doanh nghiệp, đối tác, các cơ quan nhà nước sẽ mở ra một hướng đi mới, để các sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa, gặp được thị trường cung cầu.
"Sự hợp tác không chỉ là đem đến quyền lợi cho đôi bên mà còn cho sự phát triển của các ngành nghề mà Đại học Nông lâm đang đảm nhận. Đó là nhiệm vụ đào tạo và phục vụ cộng đồng", PGS.TS.Nguyễn Tất chia sẻ.