Ga Đà Lạt là nhà ga có kiến trúc độc đáo, được công nhận là Di tích kiến trúc văn hóa cấp Quốc gia năm 2001. Nhà ga này cũng là một trong những điểm du lịch thu hút khách tham quan rất lớn. Trước đây, nhà ga này dài hơn 80km nối Tháp Chàm với Đà Lạt, tuy nhiên đến nay chỉ còn hoạt động khoảng 7km với tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa qua Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn đã kiểm tra thiết bị định kỳ và kiểm tra hiện trường thì tuyến đường sắt này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, một số vị trí bị ngập úng, sạt lở cục bộ, nước thải rác thải làm mất an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng lớn đến du khách và nhân dân địa phương.
Cụ thể, tại tuyến đường sắt này, mặt bằng nhiều đường cong liên tục, toàn bộ các đường cong đều không có ray hộ bánh dù tuyến này đi qua khu vực đồi núi cao, độ dốc dọc tương đối lớn, đặc biệt là đoạn dốc trước ga Trại Mát (hướng Đà Lạt – Trại Mát).
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, trên toàn đọa tuyến không có cầu mà chỉ có 19 cống để thoát nước. Hiện tại 2 bên tuyến có một số đoạn có hệ thống rãnh thoát nước dọc và một số vị trí có rãnh thoát nước ngang tuy nhiên phần lớn đã bị đất đá vùi lấp do đó trên tuyến thường xuyên bị ngập úng cục bộ.
Ghi nhận của phóng viên, hiện nay đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát vẫn đang hoạt động vận chuyển hành khách tham quan, du lịch. Đoạn tuyến này còn giữ lại được các công trình kiến trúc cổ kích. Tuy nhiên, các công trình nhà trạm liên quan như kho hàng, ke ga, nhà chứa đầu máy, toa xe, hầm khám chữa đầu máy đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng của tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát.