Trên cánh đồng đất bãi thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh), nhiều nông dân đang tất bật làm đất, xuống giống lứa rau mới. Bà Trần Thị Dần - hộ trồng rau lâu năm của thôn Đông Cao cho biết, vụ đông năm nay, gia đình bà gieo trồng 1,5 mẫu rau, với các giống chủ yếu là củ cải, cải chíp, cải ngồng, cải đông dư...
Trên từng chân ruộng, gia đình tiến hành trồng rau theo phương pháp gối lứa (mỗi lứa cách nhau 15-20 ngày), do đó rau được thu hoạch liên tục, mang lại thu nhập đều và tránh rủi ro.
Theo bà Dần, thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 30-50 ngày (tùy thời tiết và tùy loại rau), mỗi sào thu được từ 6 đến 8 tạ rau; nếu giá bán ổn định, gia đình có thể thu nhập 8-15 triệu đồng.
"Đồng hành với nông dân, cán bộ ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương bám sát đồng ruộng, cập nhật tình hình thời tiết, sâu bệnh, kịp thời hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ dịch hại cho cây rau màu vụ đông; quan tâm sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái".
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt Đàm Văn Đua cho biết, HTX có khoảng 200ha rau củ, quả, với khoảng 800 hộ tham gia sản xuất.
"Nông dân Đông Cao sản xuất quanh năm, nhưng vụ đông là vụ sản xuất chính, bởi thời tiết rất phù hợp để cây rau sinh trưởng, phát triển mạnh và cho năng suất cao", ông nói.
Ông Đua chia sẻ, nhiều năm qua, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm rau, củ, quả của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ tại một số siêu thị, cửa hàng, bếp ăn tập thể trong và ngoài TP Hà Nội, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Trung bình mỗi năm, người dân có thu nhập 300-500 triệu đồng/hộ, thậm chí có hộ thu nhập hàng tỷ đồng.
Theo ông Đua, ngoài hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, củ, quả theo chuẩn an toàn, HTX còn định hướng bà con sản xuất hợp lý, không xuống giống ồ ạt để tránh dư thừa.
Còn tại huyện Chương Mỹ, đến thời điểm này, các hộ dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã gieo trồng được 1.750ha cây vụ đông (đạt 89,7% kế hoạch); trong đó, cây ngô là 485ha, lạc 10ha, khoai tây 82ha, khoai lang 125ha, đậu tương 50ha, rau các loại và cây khác 998ha.
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám thông tin, để phục vụ nhu cầu của siêu thị, nhất là các bếp ăn tập thể dịp trong và sau Tết Nguyên đán, vụ đông năm nay, HTX gieo trồng hơn 30 chủng loại rau, với diện tích 27ha.
Mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn rau xanh và 100% sản phẩm đều đã được ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị gồm: 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích, 11 trường học trên địa bàn thành phố.
Ưu tiên giống ngắn ngày, chất lượng cao
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, vụ đông là một trong những vụ sản xuất quan trọng, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Cũng bởi vụ đông cho sản lượng thực phẩm lớn, đặc biệt là các thời điểm giáp vụ, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nếu không được định hướng.
Để hạn chế tình trạng dư thừa nông sản, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn, đặc biệt là các xã có diện tích sản xuất lớn như: Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong, Tiến Thắng... thực hiện khảo sát tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông chi tiết đối với từng loại cây trồng, từng xứ đồng để định hướng sản xuất cho bà con.
Đồng thời, vận động nông dân sản xuất rải vụ, gối vụ không xuống giống ồ ạt cùng một thời điểm để tránh tình trạng cung vượt cầu, gây khó khăn cho quá trình tiêu thụ, nhất là đối với rau cải trắng, cà chua...
Vụ đông 2023-2024, toàn huyện Mê Linh phấn đấu gieo trồng hơn 3.100ha, trong đó, ngô 370ha, lạc 42ha, đậu tương 150ha, khoai lang 100 ha, rau các loại 1.700 ha, hoa các loại 700ha, cây trồng khác 50ha.
Để bảo đảm kế hoạch sản xuất theo đúng khung thời vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực gieo trồng cây vụ đông, mở rộng diện tích sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày, như: Su hào, cải bắp, khoai tây...
Ngoài ra, huyện bám sát diễn biến thời tiết để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về chọn giống, sử dụng phân bón, phương thức canh tác nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Vụ đông 2023-2024, Hà Nội phấn đấu gieo trồng khoảng 28.512ha cây vụ đông, chủ yếu là các loại giống mới, ngắn ngày. Đến thời điểm này, tổng diện tích gieo trồng cây rau màu vụ đông của toàn thành phố là 19.586,2ha, đạt 68,7% kế hoạch.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu về nông sản, thực phẩm của người dân tăng cao nên thành phố Hà Nội đã thúc đẩy sản xuất vụ đông đối với cây trồng ngắn ngày để tận dụng lợi thế từ thị trường, tạo đà tăng trưởng.
"Việc gia tăng sản xuất, chủ động gieo trồng giống cây theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tạo đột phá cho tăng trưởng của ngành Nông nghiệp; đồng thời bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô", ông Phương cho hay.