Thực hiện Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-BXD ngày 11/4/2023 về Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.
Trong năm 2023, về cơ cấu lại doanh nghiệp và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại và Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty HUD; đang thẩm định Đề án tái cơ cấu và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty Vicem. Cùng với đó, Bộ Xây dựng có ý kiến để người đại diện thông qua Đại hội đồng cổ đông đối với Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Coma, Lilama và đang xem xét nội dung Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) .
Với trường hợp của Hancorp, Bộ Xây dựng đang xem xét nội dung đề án tái cơ cấu tại doanh nghiệp, chưa có thông tin cụ thể. Bộ Xây dựng cho biết lý do của việc chậm cơ cấu, thoái vốn nhà nước khỏi Hancorp là do khi xây dựng kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Hancorp về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, trong quyết định 1479 của Thủ tướng chưa có kế hoạch chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Hancorp về SCIC, nên bộ đang có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng việc này.
Về cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Xây dựng đã phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty CP Sông Hồng và đang tổ chức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (dự kiến hoàn thành công tác đấu giá trước ngày 31/12/2023). Bên cạnh đó, đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera, hiện đơn vị tư vấn đang triển khai thẩm định giá xác định giá cổ phần.
Bộ Xây dựng cũng tiếp tục tập trung rà soát, thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp; xử lý các vướng mắc để thực hiện quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần các Tổng công ty: Coma, Lilama, Sông Đà,... Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết đã lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng giữ nguyên tỷ lệ nhà nước nắm giữ vốn tại Tổng công ty Vicem là 100% vốn. Giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại HUD xuống dưới 50% và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các tổng công ty như: Viglacera, Coma, Lilama, Sông Hồng.
Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc, Bộ Xây dựng cho biết do tình hình thị trường bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hoạt động xây lắp, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.
Nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hết sức khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất. Kết quả chung đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ.
Trong đó, tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt 57.481,57 tỷ đồng, bằng 85% so với cùng kỳ và bằng 88% kế hoạch năm 2023. Doanh thu ước đạt 54.008,31 tỷ đồng, bằng 84% so với cùng kỳ và bằng 88% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.379,20 tỷ đồng, chỉ bằng 34% so với cùng kỳ và bằng 88% hoạch năm 2023.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng cũng nêu ra một số vướng mắc làm chậm quá trình cổ phần hoá các tổng công ty thuộc Bộ. Đó là việc sửa đổi Luật đất đai thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành xin ý kiến phương án sử dụng đất, giá đất để xác định giá trị doanh nghiệp. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm doanh nghiệp kéo dài, khối lượng định giá lớn.
Các tổng công ty 100% vốn nhà nước, tổng công ty có vốn góp của Nhà nước khi thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp cấp 2 mà doanh nghiệp cấp 2 chưa là công ty đại chúng hoặc có kết quả kinh doanh thua lỗ thì không được chuyển nhượng vốn theo phương thức đấu giá công khai theo quy định hiện hành. Điều này gây khó khăn cho quá trình cổ phần hoá các tổng công ty theo nguyên tắc tối đa hoá lợi ích của Nhà nước.
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TT9 ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phê duyệt Đề án cơ cấu lại, Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm Tổng công ty Vicem. Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera - CTCP; triển khai các thủ tục thoái vốn tại Tổng công ty Lilama.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Hancorp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc đối tượng; xử lý các tồn tại về cổ phần hóa, quyết toán vốn nhà nước chuyển sang công ty cổ phần (Sông Đà, Fico, Coma, Lilama); thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.