Hàng loạt nhà tái định cư xuống cấp, Bộ Xây dựng đề nghị xử lý

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 06/12/2023 12:55 PM (GMT+7)
Nhiều nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp do thiếu nguồn kinh phí duy tu, bảo trì theo thẩm quyền. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra và xử lý tình trạng của các dự án này.
Bình luận 0

Thời gian qua, nhiều nhà tái định cư tại Hà Nội đã xuống cấp sau quá trình đưa vào vận hành nhưng lại thiếu nguồn kinh phí để duy tu, bảo trì như: Nhà G5 và nhà A26 phường Đại Kim (Quận Hoàng Mai) đã xuống cấp sau 13 năm vận hành.

Cùng với đó, 3 tòa nhà CT1 A, B và C dự án tái định cư khu đô thị Thành phố Giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) sau gần 10 năm vận hành, hàng loạt hạng mục như tường nhà, hầm để xe, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) đều xuống cấp, hệ thống thoát nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa bị rò rỉ dưới các tầng hầm… Hệ thống thoát nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa bị rò rỉ dưới các tầng hầm nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục triệt để. Do vậy, cư dân phải tự sử dụng các biện pháp thô sơ nhất để trám vá các vị trí hư hỏng như dùng túi nylon, miếng xốp rồi dùng xô, chậu để hứng nước bị dột từ đường ống.

Theo đó, Bộ Xây dựng nhận thấy các nội dung phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố Hà Nội. Do vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích của cư dân sống trong khu nhà ở tái định cư, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra và xử lý tình trạng nêu trên theo thẩm quyền.

Hàng loạt nhà tái định cư xuống cấp, Bộ Xây dựng đề nghị xử lý- Ảnh 1.

Khu nhà tái định cư A1 và A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ đã bị xuống cấp trầm trọng (Ảnh: TN)

Ngoài ra, theo ghi nhận của PV Dân Việt tại khu nhà tái định cư 6 tầng A1 và A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ hiện trạng nhà tạm cư đã bị xuống cấp trầm trọng, hiện lên với hình hài cũ kỹ, nhiều vị trí ẩm mốc, thấm dột, điều kiện sống không được đáp ứng.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt dự toán thu, chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư.

Năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu Nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, sẽ hỗ trợ kinh phí bảo trì đối với phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung, bao gồm 6 hạng mục của nhà tái định cư, gồm: Thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài của tòa nhà.

Với tình trạng nhà tái định cư xuống cấp như phản ánh trên, rất cần sự vào cuộc kiểm tra, xử lý của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân, thực hiện đúng chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Bên cạnh việc nhà tái định cư xuống cấp, nhiều khu nhà tạm cư, tái định cư khác còn bị bỏ hoang, gây lãng phí quỹ đất của thành phố. Theo quy đinh, nhà tái định cư sau 12 tháng chưa đưa vào sử dụng thành phố sẽ được điều tiết tái định cư cho dự án khác. Thế nhưng, hàng chục năm nay nhiều khu chung cư tái định cư vẫn không có người ở.

Đơn cử như 3 tòa nhà TĐC 6 tầng N3-N4-N5, với 150 căn hộ thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội), nằm ngay cạnh khu Vinhomes Riverside, được triển khai từ năm 2001-2006, do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Handico3) làm chủ đầu tư. Ba tòa nhà này dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng trong khu đô thị Sài Đồng. Dù đã hoàn thiện xong hơn 15 năm, nhưng 3 tòa nhà này vẫn bị bỏ hoang, nhiều hạng mục của các tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem