Ngồi xuống mâm cơm tập thể của Đội 1, Nông trường cao su Tân Hiệp (Công ty CP Cao su Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), chị Trần Thị Hồng Hoa gạt vội những giọt mồ hôi sau khi vừa tập kết mủ cao su để xe bồn đưa về nhà máy.
Khẩu phần cơm hôm nay gồm có thịt kho tiêu, cá chiên, rau xào và canh củ nấu thịt. Chị Hoa bảo: "Vừa làm xong, đói bụng là có cơm nóng ăn liền. Thực đơn thì được nhà bếp đổi món liên tục, chất lượng không thua gì cơm nhà".
Chị Hoa gắn bó với nông trường cao su này đã gần 20 năm. Chị kể, giờ ăn ca là vui nhất. Các anh chị em công nhân tập trung ngồi lại với nhau, hết hỏi han chuyện năng suất, chăm sóc vườn cây lại tới chuyện chồng con.
Trước kia, Công ty Cao su Tân Biên tổ chức phát tiền ăn cho công nhân, rất nhanh gọn. Sau khi nhận tiền, nhiều công nhân thường chia sẻ số tiền đó cho cả gia đình.
Tuy nhiên, công việc cạo mủ vất vả, đòi hỏi ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Thứ nữa, công nhân cạo mủ phải vào nông trường làm việc từ sáng sớm (khoảng 4 giờ sáng). Muốn nấu cơm mang theo thì phải thức dậy sớm hơn 1 tiếng để chuẩn bị.
Ở miền biên giới, nhiều công nhân lại ở xa nông trường, việc mang cơm theo gây nhiều bất tiện. Đến trưa, đem ra ăn thì cơm canh nguội lạnh, vừa không ngon lại không đảm bảo dinh dưỡng.
Ông Trương Văn Cư – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Tân Biên cho biết, bữa cơm tập thể ở nông trường cao su Tân Hiệp được duy trì từ năm 2004 đến nay. Bếp ăn phục vụ bữa ăn sáng và ăn trưa, tổng giá trị suất ăn là 33.000 đồng. Thứ 6 hàng tuần, công đoàn công ty còn tổ chức phát sữa cho cho công nhân uống giữa ca.
Ở mỗi nơi có mỗi cách tổ chức khác nhau. Tại đây, khi công ty tổ chức bếp ăn tập thể, 100% công nhân đồng ý ngay. Nhờ tổ chức bếp ăn tại chỗ, sức khỏe công nhân được đảm bảo, góp phần giữ ổn định năng suất vườn cây.
Tại Bình Dương, cây cao su có hơn 132.000ha, chiếm khoảng 90% diện tích trồng trọt cả tỉnh. Trong đó, Bình Dương có hơn 60% là diện tích cao su của Tập Đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).
Chị Nguyễn Thị Thanh Yến, công nhân đội 3, Nông trường Lai Uyên (Công ty CP Cao su Phước Hòa, huyện Phú Giáo) kể, gia đình mình có 3 thế hệ cùng gắn bó với nông trường Lai Uyên này
Cây cao su đã gắn bó rất lâu với đất và người Bình Dương. Nhờ cây cao su, đời sống của người dân tăng cao. Thời gian qua, giá mủ cao su xuống thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống thợ cạo mủ. Song, mủ và gỗ vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đa dạng hóa ngành sản xuất kinh doanh ở Bình Dương.
Trong 16 năm làm việc thì 15 năm liên tục, chị Yến là lao động xuất sắc. Chồng chị cũng là công nhân cạo mủ. Thu nhập 2 vợ chồng mỗi tháng hơn 30 triệu đồng.
Hai năm nay, dù khó khăn nhưng công ty không cắt tiền ăn giữa ca, vẫn duy trì chế độ dinh dưỡng và các các phong trào thưởng năng suất cho công nhân. "Đó là nguồn động lực để công nhân tiếp tục gắn bó với vườn cây", chị Yến nói.
Ông Nguyễn Văn Tược – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa cho biết, đứng chân trên địa bàn có tốc độ phát triển mạnh công nghiệp – dịch vụ, công ty chịu áp lực cạnh tranh lao động rất lớn. Những năm qua, bên cạnh việc bố trí phần cây hợp lý, chuyển đổi chế độ cạo, công ty tích cực vận động công nhân gắn bó với vườn cây, với đơn vị.
Song song đó, công ty thực hiện tốt các chế độ chính sách đầy đủ, kịp thời. Hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Vì thế, công ty chăm lo tốt hơn đời sống người lao động và đảm bảo quyền lợi của các cổ đông.
Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) hiện đang quản lý tổng diện tích đất 28.850ha; với số cán bộ, công nhân lao động là 4.369 người. Ông Nguyễn Đức Hiền - Tổng Giám đốc Cao su Dầu Tiếng chia sẻ, việc tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp ở địa phương.
Thời gian qua, công ty chú trọng xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội ở các xã, thị trấn mà công ty có đơn vị trú đóng.
3 năm qua, Công ty thực hiện chương trình cho công nhân vay không tính lãi để làm nhà với số tiền: 3,76 tỷ đồng. Hiện nay, toàn công ty có 100% hộ công nhân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch; có trên 95,4% hộ công nhân xây dựng được nhà cấp 4 và nhà kiên cố, và không có hộ nghèo.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, Công ty còn liên kết thực hiện nhiều dự án trồng chuối và cây có muối trên diện tích hơn 1.180ha.
Các dự án khi hình thành và đi vào hoạt động đã góp phần thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên đất, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
"Đến nay, công ty duy trì thu nhập ổn định cho cán bộ công nhân lao động chủ yếu là lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng", ông Hiền cho biết.
Theo Tập đoàn VRG, ước tổng số lao động của các đơn vị thành viên đến cuối năm 2023 là 83.125 người. Trong đó, lao động dân tộc 20.524 người (chiếm 24,7%); lao động nữ 35.342 người (42,5%).
Năm 2023, VRG đã phê duyệt kế hoạch An toàn vệ sinh lao động với tổng chi phí là 275 tỷ đồng, chi cho nhiều hạng mục như chi phí kỹ thuật an toàn, chi phí vệ sinh lao động, chi chi phí khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp...
VRG chủ trương thu mua mủ của các hộ cao su tiểu điền trên tinh thần đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Việc này còn nhằm sử dụng tối đa công suất chế biến của các nhà máy sản xuất cao su, là phương án bù đắp nguồn mủ nguyên liệu thiếu hụt do thanh lý cao su hàng năm.
Tuy nhiên, việc thu mua nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và của nông dân năm qua gặp nhiều khó khăn. Ước sản lượng thu mua mủ cao su năm 2023 của Tập đoàn đạt 75.290 tấn, bằng 94% kế hoạch năm. Điều này có nguyên nhân chính từ tình hình giá bán mủ cao su liên tục giảm, phương án thu mua mủ tiểu điền để chế biến, tiêu thụ gặp nhiều rủi ro.
Theo ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, năm 2023, ngành cao su đối diện nhiều thách thức, nhiều chính sách chưa được tháo gỡ làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung.
Tập đoàn vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm, tiếp tục duy trì và tạo việc làm ổn định cho hơn 80.000 lao động với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đề ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm thu hút và giữ chân lao động là người đồng bào dân tộc; giúp định hình tập quán sản xuất công nghiệp cho người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
"Đây cũng là biện pháp góp phần ổn định trật tự, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các vùng cao su; góp phần củng cố và giữ vững an ninh quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn", ông Trần Công Kha chia sẻ.