Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững
Chính sách chưa đối xử công bằng với ngành cao su so với các nông sản khác?
Nguyên Vỹ
Thứ ba, ngày 08/11/2022 12:09 PM (GMT+7)
Ngành cao su Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Điều này gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su và doanh nghiệp cao su Việt Nam.
Đây là quan điểm chung của Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong ngành tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững tổ chức tại TP.HCM, ngày 8/11.
Ngành cao su Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn
Hội thảo do Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức. Đây là hội thảo đầu tiên của ngành cao su Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành trao đổi trực tiếp các cơ quản lý nhà nước, để giải quyết các vướng mắc, để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành. Chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe.
Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Việt Nam chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác. Vì thế, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Theo ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong nước, cơ chế chính sách chưa đồng bộ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngành cao su.
Một số chính sách thuế gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su như: phải kê khai thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế trong khâu kinh doanh thương mại, chưa được hưởng chính sách như các sản phẩm trồng trọt khác, chính sách thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây như thu nhập bất thường.
Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu ngành cao su chưa nhận được sự hỗ trợ phát triển đồng bộ từ các cơ quan Bộ ngành.
Một trong những vấn đề gây bức xúc là doanh nghiệp xuất khẩu cao su phải nộp thuế giá trị gia tăng. Mặc dù doanh nghiệp sẽ được hoàn lại sau khi xuất khẩu, nhưng thời gian chờ phải từ 4-9 tháng; đã có trường hợp còn lâu hơn, có doanh nghiệp còn tồn đọng thuế hoàn cả trăm tỷ đồng.
Điều này gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng.
Khó khăn này càng lớn khi doanh nghiệp xuất khẩu càng nhiều. Do vậy, một số doanh nghiệp đã giảm xuất khẩu cao su hoặc chuyển sang nông sản khác.
Nếu khó khăn này không được tháo gỡ, xuất khẩu cao su sẽ không đáp ứng được tiềm năng sản lượng của hơn 265.000 hộ tiểu điền (chiếm trên 60% sản lượng cả nước), trong bối cảnh giá thấp kéo dài và nhu cầu cao su sụt giảm.
Hàng loạt đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su Việt Nam
Ông Trang Việt Hùng – Giám đốc Điều hành Công ty TNHH phát triển PTN (TP.HCM) cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đã chờ đợi hội thảo này rất lâu.
Vấn đề vướng mắc lớn nhất của PTN là khâu hoàn thuế giá trị gia tăng. Công ty PTN đã nhiều lần gửi kiến nghị ngành chức năng nhưng chậm hoặc không được trả lời. Và đa số các doanh nghiệp xuất khẩu cao su rất chậm được hoàn thuế.
"Cùng với nhiều vướng mắc khác, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn", ông Hùng nói.
Trên cơ sở ghi nhận ý kiến các đơn vị, Hiệp hội Cao su Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như với các sản phẩm trồng trọt khác.
Bởi vì, cao su cũng là một nông sản như những mặt hàng nông sản khác. Việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thanh lý cây cao su được thực hiện theo một chu kỳ liên tục.
Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác, khi thanh lý có giá trị thu hồi. Tuy nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế trong khi cây cao su lại phải chịu mức thuế cao.
Sự thiếu đồng bộ về chính sách thuế đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và thủy hải sản.
Với chính sách tài chính đối với đất đai, Hiệp hội Cao su Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản.
Ông Võ Hoàng An cho biết, cao su là cây trồng lâu năm, giai đoạn xây dựng cơ bản kéo dài khoảng 6-8 năm. Sau 20-25 năm thu hoạch mủ, cây cao su sẽ được khai thác gỗ để trồng lại và tiếp tục chu kỳ tiếp theo.
Để tái canh, các doanh nghiệp cao su cần tập trung vốn đầu tư cho công tác phục hoang, trồng mới, chăm sóc trong 6-8 năm. Dự án trồng cao su tái canh là dự án độc lập với dự án trồng cao su chu kỳ trước đó.
Trong thời gian xây dựng cơ bản ở chu kỳ mới, diện tích cao su tái canh chưa có sản phẩm, nên chưa có doanh thu, lợi nhuận. Doanh nghiệp khi đó không có nguồn để nộp tiền thuê đất.
Để thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của diện tích cao su tái canh chưa có nguồn thu, doanh nghiệp buộc phải vay vốn, càng gây thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp.
Mặt khác, tiền thuê đất sẽ hạch toán vào chi phí đầu tư của vườn cao su tái canh, tính khấu hao vào giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành trong khi giá bán cao su hiện nay rất thấp.
Như vậy, việc nộp tiền thuê đất trong giai đoạn này làm tăng thêm chi phí đầu tư cũng như làm giảm tính cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước khác.
Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị Bộ NNPTNT có các chính sách hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác.
Thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu thông qua hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam đã được bảo hộ ở nhiều quốc gia tiêu thụ cao su lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ.
Hiệp hội Cao su Việt Nam đề nghị Bộ NNPTNT cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam thành thương hiệu nông sản quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.