Hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được khôi phục, hoàn thiện qua 2 đề án: Đề án 1: Khôi phục mạng lưới thú y cơ sở (Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND tỉnh Bắc Ninh); đề án 2: thành lập các Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản trực thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản (Quyết định). Cùng với hướng dẫn và thống nhất từ các bộ, ngành Trung ương (sau khi xin ý kiến của các Bộ: Lao Động Thương binh và xã hội, Tài Chính, Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ; ý kiến của các ngành địa phương của tỉnh).
Đến nay, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của tỉnh Bắc Ninh gồm: Ở tỉnh, có Chi cục Chăn nuôi, Thú y và thuỷ sản, cấp huyện có các Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản, ở cấp xã có mạng lưới thú y cơ sở (nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và cộng tác viên thú y thôn, khu).
Hệ thống Thú y này được vận hành xuyên suốt từ tỉnh xuống đến cơ sở dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ngành Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản chỉ đạo hệ thống thú y cấp huyện, cấp xã trong công tác chuyên môn, bên cạnh đó Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế dưới sự chỉ đạo của UBND cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Về nhân sự, việc hoàn thiện hệ thống thú y không làm phát sinh biên chế do được tiếp nhận lại số biên chế đã chuyển về Trung tâm dịch vụ trước đó; về thủ tục hành chính, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, không tác động đến hệ thống thủ tục hành chính hiện có.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh khẳng định, việc kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y theo Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Bắc Ninh, đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo đảm về sức khỏe cộng đồng, phù hợp với thực tiễn nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Trong 3 năm qua trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có dịch bệnh xảy ra ở diện rộng, làm giảm thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi so với khi chưa có mạng lưới chăn nuôi thú y cơ sở" – ông Thọ thông tin và cho biết các cộng tác viên thú y hoạt động ở cấp thôn, khu phố được kiện toàn, các nhân viên thú y hoạt động ở cấp xã được củng cố đã góp phần lớn trong việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và thuỷ sản, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh nhanh hơn, đồng bộ hơn và có hiệu quả hơn.
Cùng với đó, việc triển khai các kế hoạch phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, quản lý đàn vật nuôi được thuận lợi, phù hợp với thực tế nhờ việc cập nhật số liệu thường xuyên từ mạng lưới này. Đội ngũ thú y cơ sở còn là kênh cung cấp các dịch vụ về chăn nuôi thú y và kiểm soát giết mổ, góp phần trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Việc kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y cơ sở cũng khắc phục được tình trạng thiếu nguồn lực có chuyên môn thực hiện quản lý chăn nuôi, dịch bệnh và quản lý môi trường chăn nuôi hiện nay. Lực lượng này đã làm thay đổi tư duy, tập quán của người chăn nuôi, tác động tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống của xã hội phát sinh từ hoạt động chăn nuôi.
Đồng thời, việc thi hành chính sách này, đã làm cho cán bộ chăn nuôi thú y cơ sở yên tâm công tác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định và giúp chính quyền địa phương chủ động cân đối ngân sách chi trả chế độ cho đội ngũ thú y cơ sở, chủ động trong việc lựa chọn, bố trí nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp để tham mưu, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; thuận lợi hơn trong việc quản lý chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, có kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên môn kế cận.
Mạng lưới chăn nuôi, thú y cơ sở được kiện toàn đã làm tăng cơ hội và khả năng hình thành các khu vực sản xuất chăn nuôi hàng hóa do các cơ sở chăn nuôi có thể tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học khép kín để phòng chống dịch bệnh thông qua đội ngũ này, đem lại an toàn và hiệu quả hơn trong sản xuất chăn nuôi.
Đáng chú ý, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu bền vững sang chăn nuôi hàng hoá, có kiểm soát. Toàn tỉnh Bắc Ninh có 671 trang trại chăn nuôi, trong đó có 45 trang trại quy mô lớn, 118 trang trại quy mô vừa và 508 trang trại quy mô nhỏ. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 16 doanh nghiệp chăn nuôi (9 doanh nghiệp chăn nuôi lợn, 5 doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, 2 doanh nghiệp chăn nôi hỗn hợp).