Ngành thú y - hành trình 73 năm với sứ mệnh kiểm soát, loại trừ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người

P.V Thứ ba, ngày 11/07/2023 10:02 AM (GMT+7)
Trong 73 năm hình thành và phát triển, thành công và đóng góp của ngành thú y được thể hiện ở công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đã có chuyển biến tích cực, từ bị động sang chủ động theo cách tiếp cận Một sức khỏe, nên đã loại trừ, kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Bình luận 0

Kiểm soát, loại trừ nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trải quả lịch sử 73 năm hình thành và phát triển, ngành thú y đã và đang hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao phó. Hệ thống thú y được xây dựng và kiện toàn các cấp từ trung ương đến địa phương với năng lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ngày càng hiện đại đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu phục vụ công tác chuyên môn của ngành. 

Có thể kể ra đây một số thành tựu mà ngành thú y đã đạt được như Việt Nam là một trong số các nước sớm thanh toán và loại trừ hoàn toàn được bệnh Dịch tả trâu bò vào năm 1978; kiểm soát và ngăn ngừa nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan sang người như bệnh Cúm gia cầm, Nhiệt thán, Dại,… kiểm soát tốt các loại dịch bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế như bệnh Lở mồm long móng, Tai xanh. 

Đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Việt Nam trong những năm vừa qua, mặc dù hơn 100 năm qua kể từ khi dịch bệnh này được phát hiện và có hơn 4.000 công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh Dịch tả lợn châu Phi và phát triển vaccine được công bố trên thế giới nhưng chưa có vaccine thương mại phòng bệnh nhưng với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và sự chung tay của các nhà khoa học thú y Việt Nam, vaccine thương mại thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên trên thế giới đã ra đời. 

Thành công và đóng góp của ngành thú y được thể hiện ở công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đã có sự chuyển biến tích cực, từ bị động sang chủ động theo cách tiếp cận Một sức khỏe, nên đã loại trừ và kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, đặc biệt kiểm soát tốt các bệnh nguy hiểm: Số động vật mắc bệnh cúm gia cầm (CGC) giảm 76%, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) giảm 80%, Viêm da nổi cục (VDNC) giảm 82%, cả nước chỉ có 01 ổ dịch Tai xanh, 19 ổ dịch Lở mồm long móng (LMLM).

Ngành thú y - hành trình 73 năm với sứ mệnh kiểm soát, loại trừ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người - Ảnh 1.

Tổ chức tiêm phòng cho đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên.

Sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi, bước tiến của thế giới

Việc vaccine thương mại phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên trên thế giới ra đời không chỉ là bước ngoặt mang tính lịch sử của ngành thú y mà còn là bước tiến của thú y thế giới. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay từ khi bệnh DTLCP xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống và nghiên cứu sản xuất vaccine. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP.

Tháng 11/2019, ngay sau khi các nhà khoa học của Mỹ công bố nghiên cứu thành công chủng virus vaccine DTLCP nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cử đại diện Cục Thú y sang Mỹ gặp trực tiếp với các chuyên gia Mỹ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP.

Từ tháng 02/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Mỹ. Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y ký Thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu Nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện. Tháng 7/2020, Cục Thú y cho phép nhập khẩu chủng vi rút vaccine DTLCP nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L để nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Ngành thú y - hành trình 73 năm với sứ mệnh kiểm soát, loại trừ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên phải), nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trong một lần kiểm tra tiến độ nghiên cứu vaccine Dịch tả lợn châu Phi tại Công ty CP AVAC Việt Nam. Ảnh: Đ.H

Các chủng giống virus sau khi được tiếp nhận từ Mỹ, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y ngay lập tức tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo để nghiên cứu sản xuất vaccine thương mại.

Kết quả, đến nay tại Việt Nam đã có 02 đơn vị là Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco và Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine xin thương mại phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

"Việc sản xuất, đăng ký lưu hành vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP là sự kiện lịch sử, ghi nhận sự nỗ lực của ngành thú y, các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học thế giới, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi lợn phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi

Mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ mới trong quan hệ hợp tác quốc tế nhưng đến nay ngành thú y đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.  

Nhiều năm qua, Cục Thú y đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đàm phán với nhiều quốc gia để xuất khẩu các sản phẩm động vật thế mạnh của Việt Nam. Để có cơ sở đàm phán xuất khẩu sản phẩm động vật, Cục Thú y đã hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng cơ sở, chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật (ATDB). 

Ngành thú y - hành trình 73 năm với sứ mệnh kiểm soát, loại trừ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người - Ảnh 3.

Sản xuất vaccine tại Công ty CP AVAC Việt Nam. Ảnh: N.Chương.

Công tác xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trong những năm qua đã được các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ. Lũy kế đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận ATDB (trong đó có các cơ sở vùng ATDB đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh) bao gồm: 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm và 1.133 cơ sở vùng chăn nuôi lợn và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. 

Chính nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm mà trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp, từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung công nghệ, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và mỗi năm xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD. Nhờ vậy việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước cũng đã thu được những thành quả đáng được biểu dương. 

Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, thịt gà chế biến của Việt Nam đã có thể xuất khẩu chính ngạch sang sang 7 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hồng Kông, 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu; sữa và sản phẩm sữa đã được xuất khẩu sang gần 50 quốc gia, trong đó đặc biệt là thị trường Trung Quốc, một thị trường vô cùng to lớn và tiềm năng; trứng và sản phẩm trứng gia cầm đã được xuất khẩu sang Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào và Úc; thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh đã được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông và Malaysia.

Đối với sản phẩm tổ yến, sau 4 năm đàm phán đến nay Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; sản phẩm mật ong của Việt Nam cũng đã có mặt trên thị trường 35 nước như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Ả rập xê út.

Để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, bảo vệ sức khỏe người dân Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khẳng định, ngành thú y đã, đang và sẽ từng bước thay đổi tư duy, cách tiếp cận để phân tích khó khăn hiện tại và đề ra giải pháp phù hợp mang tính khoa học và hệ thống.

Vận dụng hiệu quả, linh hoạt các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Từ đó, thúc đẩy người dân am hiểu và tự giác đồng hành với ngành thú y trong việc bảm đảm sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng 100 triệu người dân Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có 10 cơ sở sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đã sản xuất đăng ký lưu hành gần 200 loại vaccine (mỗi năm nghiên cứu, sản xuất, lưu hành thêm hơn 10 loại vaccine mới), đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm, thủy sản trong nước và một số loại đã xuất khẩu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem