Gia đình anh chị Nguyễn Thanh Hà - Trương Thị Thu Trang ở thôn 5, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) vừa thu xong vườn sầu riêng 2,8 ha.
Chị Trang cho biết, anh chị đã trồng sầu riêng từ năm 2015. Nhưng khi đó, sầu riêng xen canh trong vườn cà phê và một số loại cây ăn trái.
Tới năm 2017, nhận thấy mảnh đất đồi phù hợp, những cây sầu riêng tươi tốt và có khả năng đơm hoa kết trái, anh chị đã chặt bỏ những cây trồng xen, chuyển sang trồng thuần.
Hiện tại, vườn sầu riêng của anh chị có 700 cây, trong đó 500 cây đang cho trái. Khác với những vừơn sầu riêng trồng trên đất bằng, vườn sầu riêng của anh chị được trồng trên mảnh đất đồi thoai thoải.
Chị Trang chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu trồng sầu riêng, chúng tôi đã xác định trồng theo hướng quy mô bài bản. Vì vậy, gia đình trồng sầu riêng thuần để thuận lợi trong áp dụng các biện pháp kĩ thuật canh tác. Ví dụ như hệ thống tưới phân, bơm thuốc đều được lắp đặt dưới sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ kĩ thuật nông nghiệp.
Ngoài tưới gốc, gia đình còn lắp hệ thống tưới cao, cây được phun tưới từ trên đọt xuống tận dưới gốc, tạo không gian mát, hạn chế một số loài gây hại. Thuốc bảo vệ thực vật dành cho sầu riêng cũng được phun bằng ống, lắp đặt chạy dọc theo thân cây, có thể phun cao, vào từng tầng tán, giảm công sức cho người chăm sóc”.
Chị Thu Trang, nông dân trồng sầu riêng áp dụng công nghệ cao ở thôn 5, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) vừa thu xong vườn sầu riêng 2,8 ha. Trong ảnh chị đang kiểm tra hệ thống tưới trong vườn sầu riêng đặc sản.
Trồng sầu riêng tại đất Lộc An cũng có những nét riêng so với nhiều vùng đất khác. Đây là vùng đất có lượng mưa khá nhiều, thuận lợi cho cây cối phát triển.
Tuy nhiên, vào mùa mưa, lượng nước quá nhiều dễ khiến cây sầu riêng bị ngập úng, bộ rễ yếu ớt hay bị côn trùng tấn công.
Chính vì vậy, gia đình anh chị Nguyễn Thanh Hà - Trương Thị Thu Trang ứng dụng việc đào rãnh giữa các luống để rút nước.
Ngay sau những đợt mưa lớn, hệ thống rãnh sẽ giúp vườn mau khô, bảo vệ bộ rễ cho cây, giảm ảnh hưởng của ngập, úng tới cây sầu riêng.
Cũng để tránh ảnh hưởng tới rễ và giảm việc cây ngã đổ, vườn sầu riêng của anh chị áp dụng kỹ thuật hạ tán, bấm đọt ngay tuổi lên 3.
Vì vậy, cây trong vườn không cao, tán thấp, cành ngang nhiều, thuận lợi cho việc thu hoạch cũng như chăm sóc.
Không chỉ vậy, chị Trang còn ủ phân hữu cơ ngay tại vườn, tạo nguồn phân bón hiệu quả cho sầu riêng. Theo chị Trang, cây sầu riêng là loại cây rất khó tính, cần được chăm sóc chu đáo, phân bón dồi dào, đặc biệt là phân hữu cơ.
Nếu mua phân bên ngoài, vừa không tính toán được chất lượng, giá lại cao, người nông dân chịu mức đầu tư khá lớn. Vì vậy, anh chị mua phân bò, dùng men Trichoderma để ủ lẫn phân bò và một số loại phế phẩm nông nghiệp.
Sau vài tháng ủ đúng quy trình, anh chị đã có được những tấn phân hữu cơ tơi xốp, dồi dào dinh dưỡng để bón trực tiếp cho cây trồng. Vì vậy, vườn sầu riêng của gia đình anh chị đất rất tơi, dồi dào lượng vi sinh vật có lợi với một chi phí hợp lý.
Hiện tại, vườn sầu riêng của gia đình anh chị Nguyễn Thanh Hà - Trương Thị Thu Trang đang tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Anh chị được Công ty TNHH Long Thủy hỗ trợ kĩ thuật, thủ tục để có vườn sầu riêng đúng tiêu chuẩn quy định, để những trái sầu riêng có thể tham gia chuỗi liên kết xuất khẩu.
Chị Trang tâm sự, xuất khẩu sầu riêng chính là mục tiêu của người nông dân. Khi tham gia xuất khẩu, giá sầu riêng được đảm bảo, người nông dân có thu nhập tốt từ chính mảnh vườn của mình.
Chị cũng xác định, phải chăm đúng kĩ thuật trồng sầu riêng, tuân thủ quy định của đơn vị hợp tác để trái sầu riêng không vi phạm tiêu chuẩn.
Bà K’Uỳnh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc An (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) nhận xét, anh chị Hà - Trang đều là những người sản xuất, kinh doanh giỏi, chăm chỉ ứng dụng kỹ thuật.
Vườn sầu riêng trồng thuần của anh chị đạt chất lượng tốt, ứng dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại. Hiện, khu vườn đang tham gia xây dựng mã vùng trồng khu vực thôn 5.
Đây là hướng đi hiệu quả cho người trồng sầu riêng Lộc An, giúp trái sầu riêng bền vững tiến ra thị trường thế giới.