Nuôi cá lóc dày đặc ở sông Cái của Kiên Giang, một nông dân đã 25 năm rồi, năm nào nuôi cũng lãi
Trên dòng sông Cái ở Kiên Giang có một nông dân nuôi cá lóc trong vèo, 25 năm rồi, năm nào cũng lãi
Thứ tư, ngày 27/12/2023 05:10 AM (GMT+7)
Tận dụng diện tích mặt nước của sông Cái trước nhà, bà con nông dân xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đã phát triển mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới, thu lãi hơn trăm triệu mỗi năm, không chỉ thoát nghèo còn vươn lên làm giàu.
Gia đình chị Đặng Thị Hoa ngụ xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang có hơn 25 năm khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới cũng là tấm gương lao động cần cù, nỗ lực vượt khó thoát nghèo.
Chị Hoa chia sẻ, thời điểm năm 1996, gia đình gặp không ít khó khăn, chật vật. Không biết làm nghề gì để kiếm thêm thu nhập, chị Hoa thử nghiệm nuôi 1.000 con giống cá lóc. Sau 6 tháng thì xuất bán được 3 triệu đồng.
Dần dần qua các năm, chị tiếp tục tăng số lượng cá nuôi. Hiện nay gia đình chị đang có khoảng 15.000 con cá lóc, dự kiến xuất bán trong 1 tháng tới khi được giá.
Chị Hoa cho biết, 3 tháng đầu cá còn nhỏ thì cho ăn thức ăn viên, sau đó gia đình đi thu gom đầu cá ở chợ và đi kéo lưới kiếm ốc bươu vàng, cá tạp ở đồng ruộng. "Làm như vậy không chỉ tiết kiệm nhiều chi phí mua thức ăn mà còn giúp thịt cá chắc, ngon hơn, người mua chuộng hơn", chị Hoa bộc bạch.
Sau 6 tháng nuôi, ước lượng 10.000 con giống, thành phẩm xuất bán với sản lượng khoảng 3 tấn. Mỗi năm 2 vụ thu hoạch, chị Hoa bỏ túi hơn trăm triệu đồng mà không bỏ nhiều công chăm sóc và vẫn có thể làm thêm công việc khác.
Ngoài thức ăn viên cho cá lóc nuôi, thì cá tạp, ốc bươu vàng chế biến cho cá lóc ăn thêm giúp chị Hoa, nông dân nuôi cá lóc ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) tiết kiệm nhiều chi phí thức ăn. Ảnh: Nguyên Anh.
Nhờ cần cù chịu khó, tiết kiệm cộng với lợi nhuận từ mô hình, chị Hoa không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên khấm khá, xây nhà khang trang, mua thêm ruộng đất.
Thấy gia đình chị Hoa nuôi cá lóc trong vèo mang lại lợi nhuận kinh tế, bà con trong ấp cũng đến học tập mô hình sản xuất. Chị Hoa không ngần ngại giúp bà con đặt con giống và chia sẻ bí quyết để nuôi cá lóc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hoa cũng lưu ý, để cá lóc khỏe mạnh, người nuôi phải chú ý đến chất lượng môi trường nước, cũng như thường xuyên gia cố lại vèo lưới, tránh để cá thoát ra.
Khi phát triển quy mô và số lượng cá nuôi, cần cân đối nguồn vốn tự có và điều kiện lao động của hộ gia đình trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn tự nhiên cho cá theo hình thức lấy công làm lời thì mô hình nuôi cá lóc trong vèo mới thật sự mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhất.
Bên cạnh việc kiểm soát nguồn thức ăn thì cần quản lý tốt nguồn nước để nuôi cá, định kỳ thường xuyên tạt nước muối sát khuẩn và chủ động áp dụng các giải pháp phòng trị bệnh ở cá, chị Hoa cho biết thêm.
Chị Lê Thị Kim Phượng - Chủ tịch hội nông dân xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang)- nhận định: Mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng diện tích mặt nước ao, kênh để làm vèo nuôi đồng thời tận dụng được lao động nhàn rỗi.
"Hộ gia đình chị Hoa đã phát triển mô hình này 25 năm nay và đến nay vẫn rất thành công. Địa phương cũng nhân rộng mô hình để các hộ tham gia vì không chỉ tận dụng được lợi thế nước sông mà còn nhàn công, thời gian.
Các hộ vừa nuôi cá vừa có thể làm thêm công việc khác kiếm thêm thu nhập, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững. Địa phương cũng khuyến khích các hộ nhất là những thanh niên tham gia khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo để có thể làm giàu từ mảnh đất quê hương, không phải bỏ địa phương đi làm ăn xa", chị Lê Thị Kim Phượng chia sẻ.
Vèo lưới được xây dựng hình chữ nhật, đáy vèo đặt cách đáy ao khoảng 0,5m, độ sâu nước trong vèo từ 2,5m trở lên.
Nuôi cá lóc trong vèo có nhiều ưu điểm như nuôi ở mật độ cao, sản lượng lớn, thức ăn được tập trung, cá không bị cọ sát đáy ao hoặc không chui được xuống bùn, nhờ vậy giúp cá tăng trọng nhanh và kích cỡ đồng đều, chị Hoa chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.