Để làm được việc này, ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho rằng, các bến xe và các đơn vị vận tải phải cùng xây dựng và tuân thủ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, tiêu chí phục vụ hành khách.
Cùng với đó, cương quyết đấu tranh, đào thải các nhà xe có chất lượng dịch vụ kém, không đáp ứng được các tiêu chí phục vụ, các yêu cầu quản lý của cơ quan Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định nói chung.
Ông Hùng cho hay, đến nay hoạt động vận tải liên tỉnh đã phục hồi được trên 65% so với thời điểm trước dịch và đã có nhiều dấu hiệu ổn định, tích cực. Vận tải liên tỉnh trên địa bàn thành phố nói chung và tại các bến xe thuộc công ty đã phục hồi trên 75% so với thời điểm trước dịch.
Ngoài ra, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, việc tăng cường, quyết liệt trong công tác kiểm tra và xử lý nạn xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố của các lực lượng chức năng, đến nay một số phương tiện hoạt động bên ngoài đã có xu hướng quay vào bến hoạt động.
Dự báo lượng hành khách đi xe liên tỉnh trên các bến xe trong dịp Tết 2024 sẽ tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Nói về nguyên nhân nhiều doanh nghiệp vận tải bỏ bến xe, ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động vận tải liên tỉnh vẫn còn rất nhiều yếu tố khó khăn, khó lường.
"Ngoài các yếu tố khách quan thì còn có nhiều nguyên nhân mang tính chủ quan của các doanh nghiệp vận tải (DNVT) và các bến xe", ông Hùng nhận định.
Ông Hùng chỉ ra nguyên nhân từ chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh của đa phần các DNVT chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hành khách, đang đánh mất thị phần vào các loại hình dịch vụ vận tải khác. Còn nhiều hành khách vẫn có ấn tượng chưa tốt về môi trường bến xe và chất lượng dịch vụ của xe khách liên tỉnh.
"Muốn thu hút được hành khách đi xe liên tỉnh thì chất lượng phục vụ của bến xe, chất lượng phục vụ của nhà xe phải đổi mới và nâng cao để đáp ứng yêu cầu của hành khách", ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong năm 2023 rất nhiều vụ TNGT liên quan đến vận tải khách đòi hỏi đổi mới cấp bách cho hoạt động vận tải để đảm bảo ATGT, lấy lại niềm tin của hành khách.
Nói về xe dù bến cóc, bà Hiền chỉ ra một tồn tại nhức nhối không chỉ riêng Hà Nội, TP.HCM mà còn ở các địa phương đó là xe dù, bến cóc.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đang lập ở bến bên ngoài, tuy họ không có giấy phép nhưng lại đảm bảo sự tiện nghi, tiện lợi hút khách.
"Các doanh nghiệp vận tải không ngại vào bến. Vấn đề là vào bến có khách hay không, có tạo sức hút để DN vào hay không?", bà Hiền trăn trở.
Bà Hiền kỳ vọng đợt cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, bến xe tập trung vào những mong mỏi của hành khách, làm thế nào để thu hút được khách vào bến. Các bến cần có mục tiêu rõ ràng, năm nay mỗi tuyến số lượng xe xuất bến có vé, có khách xuất bến 50% số lượng ghế thì sang năm tăng lên 60%.
"Từ trước đến giờ những khẩu hiệu nâng cao chất lượng, đảm bảo ATGT năm nào chúng ta cũng nói với nhau nhưng làm thế nào chúng ta cần thực hiện tốt", bà Hiền nhấn mạnh.
Về Thông tin một số doanh nghiệp muốn có lốt xe ở bến xe, bà Hiền cho biết, có rất nhiều đơn vị vận tải mong mỏi có "lốt" xe ở bến xe bởi vì vị trí, khuôn viên khang trang của bến xe đang hấp dẫn nhiều doanh nghiệp vận tải.
"Nếu quản lý bến xe tổ chức tốt, chắc chắn lượng DN vào bến xe tăng lên. Điển hình như doanh nghiệp vận tải khách Hà Lan đang mong mỏi đưa hệ thống xe limousine vào vì họ không muốn bị gọi là xe dù, bến cóc", bà Hiền chia sẻ.
Bà Hiền khẳng định: "Sẽ đồng hành với quản lý bến xe để tổ chức tốt một bến xe chất lượng cao. Tổ chức những tuyến xe chất lượng cao thực sự để hành khách có nhiều phân khúc".