Kỳ 2: Tháo gỡ vướng mắc về đất đai, hỗ trợ thêm nguồn vốn
Theo báo cáo từ các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, các hộ dân di cư tự do thuộc các dự án được bố trí vào các điểm dân cư theo quy hoạch, được bố trí đất ở, đất sản xuất với hạn mức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tính đến tháng 9/2022, tỉnh Đắk Nông đã bố trí hơn 541 ha cho 1.078 hộ di dân tự do (bình quân đất ở 400m2/hộ, đất sản xuất 1ha/hộ); tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 674 ha cho 2.604 hộ (bình quân đất ở 400m2/hộ, đất sản xuất khoảng 2.300m2/hộ); tỉnh Gia Lai giao đất ở bình quân từ 400-600m2/hộ, tỉnh Lâm Đồng đã giao 460 ha đất ở cho 1.152 hộ (bình quân 400m2/hộ)…
Tuy nhiên, tại một số địa phương do quỹ đất hạn chế nên khi thực hiện dự án chỉ bố trí đất ở, đối với đất sản xuất người dân tự mua bán, sang nhượng, và nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như ở Đắk Lắk đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.653 hộ dân di cư tự do. Một số hộ do khó khăn về kinh tế không đủ điều kiện để mua đất sản xuất nên thiếu đất canh tác, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Riêng tại Đắk Lắk, hiện tại diện tích đất còn lại cần xem xét, giải quyết cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh khoảng 13.565ha (trong đó đất ở 418ha, đất sản xuất: 10.395ha), nhưng do vướng mắc về các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nhiều năm qua nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc chuyển đổi 13.565ha này đang vướng một số chủ trương trước đây của Chính phủ, ví dụ như Kết luận 176 của Thủ tướng Chính phủ, tại thông báo Kết luận số 176 trước đây quy định đối với các diện tích bị phá rừng thì phải kiên quyết không chuyển đổi mà phải phục hồi lại rừng.
Dù vậy, ông Dương cho rằng, nếu chúng ta không bố trí quỹ đất cho dân di cư tự do thì họ vẫn ở rải rác ở trong rừng và như vậy nguy cơ phá rừng còn rất lớn. "UBND tỉnh Đắk Lắk đã có kiến nghị đối với Trung ương thống nhất chủ trương là những vùng xét thấy phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp của địa phương thì chấp nhận để chuyển đổi và bố trí đất ở, đất sản xuất để sớm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân" – ông Dương nói.
Tại Đắk Nông, hàng nghìn hộ đồng bào H'Mông di dân tự do vào cũng xâm chiếm đất rừng để lấy đất ở, đất canh tác. Những khu vực này nằm sâu trong rừng, muốn vào phải đi theo đường mòn đất đỏ, rất vất vả. Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông còn 5.450 hộ với 24.330 nhân khẩu chưa ổn định cuộc sống, trong đó có khoảng 3.200 hộ xâm chiếm hơn 20.934ha đất lâm nghiệp, đang sống rải rác trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp. Thực trạng này đã tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...
Đề xuất Trung ương hỗ trợ thêm vốn để thực hiện các dự án
Theo ông Dương, trong giai đoạn tới, việc bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do có rất nhiều việc phải làm như: vấn đề hoàn thiện hạ tầng, các vấn đề để ổn định người dân yên tâm ở trong khu vực đã được quy hoạch cũng như nhiều vấn đề an sinh xã hội và các vấn đề khác cần phải giải quyết trong thời gian tới. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng còn hơn 4.000 hộ dân vẫn tiếp tục phải tập trung để ổn định từ giờ đến năm 2025.
"Các dự án dân di cư tự do ở Đắk Lắk hiện nay đang xây dựng khoảng 4 dự án, theo số liệu thì nó phải cần hàng ngàn tỷ đồng để bố trí cho việc đầu tư kế cấu hạ tầng cho vùng dự án để đảm bảo điều kiện sinh sống thiết yếu cho sinh sống của người dân khi đưa về. Nguồn lực này rất cần Trung ương quan tâm, bố trí cho địa phương vì Đắk Lắk và một số tỉnh Tây Nguyên đều là tỉnh nghèo, tỉnh khó khăn và đều trợ cấp trên 60% từ nguồn ngân sách Trung ương" – ông Dương nói.
Liên quan tới vấn đề này, tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ tỉnh Đắk Nông 475,682 tỷ đồng (ngoài số vốn đã được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương theo Quyết định 105/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ) để triển khai thực hiện các dự án đầu tư dở dang và dự án dự kiến mở mới, tạo điều kiện cho người dân vùng di cư tự do và vùng thiên tai có cuộc sống ổn định, phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương. Riêng trong năm 2024, đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí 85 tỷ đồng để đầu tư hoàn chỉnh 3 dự án ổn định dân di cư tự do cấp bách trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/10/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1740/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 17/3/2023, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký Quyết định số 156 về việc thực hiện Đề án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025.
Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí ổn định cho 5.450 hộ/24.330 khẩu; hoàn thành việc đăng ký thường trú cho các hộ dân đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất vùng dự án nhằm ổn định dân cư và nâng cao đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân vùng dự án tương đương với mức thu nhập bình quân của địa phương sở tại; đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân vùng dự án.