Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk: Tháo gỡ khó khăn về đất đai, ổn định cuộc sống người dân di cư tự do
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk: Tháo gỡ khó khăn về đất đai, ổn định cuộc sống người dân di cư tự do
Ngọc Giàu - Khương Lực
Thứ tư, ngày 29/11/2023 16:20 PM (GMT+7)
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là một trong những địa phương phải đón nhận lượng dân di cư tự do từ các vùng trong cả nước đến nhiều nhất. Việc di cư ngoài kế hoạch đã gây ra nhiều áp lực, hệ lụy cho chính quyền các cấp, nhất là việc bố trí, giao đất ở, đất sản xuất cho người dân di cư tự do.
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 674 ha đất, trong đó đất ở 66ha, đất sản xuất 608ha cho 2.604 hộ dân di cư tự do. Tuy nhiên, nhu cầu về bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn rất lớn. Hiện tại, diện tích đất còn lại cần xem xét, giải quyết cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào khoảng 13.565ha.
Phóng viên Dân Việt có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk để làm rõ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do cũng như các giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn về đất đai để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân di cư tự do.
Thưa ông, xin ông cho biết kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk?
Trong thời gian qua, Đắk Lắk là một trong những địa phương phải đón nhận lượng dân di cư tự do từ các vùng trong cả nước đến nhiều nhất. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Sở, ngành địa phương đã ban hành nhiều văn bản bao gồm Chỉ thị của Tỉnh ủy, Chương trình, kế hoạch của UBND (Chương trình hành động số 3690/CTr-UBND ngày 29/4/2020; Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 27/7/2022 của UBND tỉnh) và kế hoạch của các Sở ngành, liên quan ( Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch 1797/KH-SNN ngày 01/7/2020) để thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân di cư tự do đến địa bàn.
Qua số liệu thống kê, tỉnh Đắk Lắk cần bố trí, ổn định cho hơn 10.167 hộ/49.669 nhân khẩu dân di cư tự do. Trong gần 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai được 13 dự án bố trí dân di cư tự do với tổng kinh phí gần 638 tỷ đồng. Các dự án này đã góp phần bố trí ổn định cho hơn 4.827 hộ dân di cư tự do ở các vùng đến tỉnh Đắk Lắk và giải quyết được khoảng gần 674ha đất ở, đất sản xuất để ổn định cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều vấn đề phải làm như: hoàn thiện hạ tầng; các vấn đề để ổn định, người dân yên tâm sinh sống ở trong khu vực đã được quy hoạch cũng như nhiều vấn đề về an sinh xã hội và các vấn đề khác cần phải giải quyết trong thời gian tới. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk còn hơn 4.000 hộ dân di cư tự do vẫn tiếp tục phải tập trung để bố trí ổn định từ nay đến năm 2025.
Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do như thế nào?
Hiện nay, số hộ dân di cư tự do được giao đất ở, đất sản xuất còn rất thấp do còn vướng một số quy định chưa giải quyết xong. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, tổng diện tích đã giải quyết cho người dân khoảng 674ha, trong đó đất ở 66ha, đất sản xuất 608ha. Số diện tích đất này được giao cho 2.604 hộ dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Phần diện tích đất còn lại cần xem xét, giải quyết cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh dự kiến khoảng 13.565ha, trong đó có 418ha đất ở, 10.395ha đất sản xuất. Giải quyết được phần đất ở, đất sản xuất này, tỉnh Đắk Lắk mới có thể ổn định được số dân di cư tự do đang sống rải rác ở các vùng, nơi khác để đưa dân vào các vùng dự án quy hoạch.
Để xem xét, giải quyết 13.565ha đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do, về phía địa phương, tỉnh Đắk Lắk có gặp khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị gì?
Bố trí ổn định dân di cư tự do là vấn đề cực kỳ khó khăn. Đồng bào ở các vùng miền trong cả nước về Đắk Lắk sống rải rác ở trong rừng. Các hộ dân di cư tự do có thói quen, tập tục là vào sâu trong rừng phá rừng để tự canh tác và có nhiều tập quán muốn săn bắt và thích sống trong sinh cảnh của rừng. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho địa phương trong việc quy hoạch các vùng phù hợp, rồi đầu tư hạ tầng để kêu gọi, vận động và đưa người dân di dời về khu dự án.
Cùng với đó, chế độ, chính sách hỗ trợ họ di dời về nơi ở mới còn thấp so với mặt bằng chung và điều kiện thực tế. Các hộ dân di cư tự do đang ở tự do trong rừng, phá rừng nên có quỹ đất rộng, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, nhưng bây giờ di dời họ về một vùng đất mới, diện tích bố trí cho họ có thể không bằng… Mặc dù vậy, chúng ta cũng phải kiên quyết vận động, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi khác để đưa họ về các vùng đã được quy hoạch bố trí, ổn định dân cư để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân phù hợp quy hoạch.
Tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch khoảng hơn 13.000 ha đất ở, đất sản xuất cho người dân di cư tự do. Tuy nhiên, đa phần ở những vùng này hàng chục năm trước đây là đất rừng do phá rừng, nhưng chúng ta cũng cần chấp nhận một thực tế là hiện nay ở những vùng này rất khó để phục hồi lại rừng.
Theo quy hoạch chung và quy hoạch đất đai của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã xác định khu vực này cần thiết phải bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do. Việc này Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cho phép, nhưng hiện đang vướng vì trước đây có một số thông báo kết luận của Chính phủ, ví dụ như Thông báo Kết luận 176 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ hay Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định đối với diện tích do phá rừng thì phải cương quyết thu hồi để phục hồi lại rừng.
Tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ biết là Đắk Lắk và một số địa phương có những diện tích rừng bị xâm hại từ hàng chục năm trước rồi và chúng ta không có điều kiện để phục hồi lại rừng. Đây không phải vùng xung yếu và những vùng này phù hợp với việc chúng ta có thể quy hoạch, bố trí dân cư để đưa số dân đang sống rải rác trong rừng về nơi ở, sản xuất tập trung theo quy hoạch đảm bảo việc quản lý và đầu tư hạ tầng để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận để chuyển đổi, xây dựng các dự án để ổn định đời sống, cuộc sống cho người dân di cư tự do. Nếu chúng ta vẫn cứ chần chừ, chậm xử lý việc cho phép chuyển đổi thì người dân mãi mãi vẫn ở rải rác trong rừng và hệ lụy sẽ còn lớn hơn và họ lại tiếp tục phá rừng, rồi tiếp tục gây ra nhiều vấn đề xã hội, hệ lụy lớn về sau này.
Đắk Lắk vẫn là địa phương phức tạp về nguồn di dân tự do đến. Vậy, tỉnh Đắk Lắk đã có những giải pháp như thế nào để đến năm 2025 phấn đấu cơ bản không còn tình trạng di dân tự do đến địa bàn?
Để thực hiện chủ trương của Chính phủ cơ bản đến 2025 phải ổn định và đến 2030 phải chấm dứt hết vấn đề dân di cư tự do, tôi cho rằng chúng ta có thể làm được, nhưng phải có trách nhiệm và vào cuộc mạnh mẽ, kể cả các địa phương, người dân đến, kể cả địa phương có người dân đi và đặc biệt là Trung ương.
Địa phương có dân đến cần phải sớm quy hoạch, bố trí các dự án để vận động, kêu gọi người dân di dời vào vùng dự án với các điều kiện hạ tầng, sinh hoạt, sản xuất đảm bảo để người dân có việc làm, thu nhập ổn định. Đây là việc cực kỳ khó khăn, nhưng trách nhiệm địa phương nơi có dân đến là phải thực hiện được việc này.
Đối với Trung ương, cần phải quan tâm, có những cơ chế chính sách phù hợp như sớm có chủ trương về việc chuyển một số vùng đất nguồn gốc là đất rừng nhưng đã bị chặt phá từ lâu rồi để sang quy hoạch, bố trí các dự án cho người dân; thứ hai bố trí kịp thời, đủ nguồn vốn để các địa phương triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và di dời người dân đến các vùng dự án; Thứ ba, giải quyết, điều chỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân di cư tự do sớm có điều kiện di dời vào sinh sống ở vùng dự án.
Một vấn đề quan trọng nữa Trung ương cần có chỉ đạo, hỗ trợ các chương trình, dự án ổn định cho người dân tại các địa phương khó khăn – nơi có người dân di cư tự do – để làm sao người dân có thể sống ổn định ở địa phương, quê hương mình, không di dời tự do đến các địa phương khác, gây ra những xáo trộn, bất ổn chung cho việc bố trí dân cư chung của cả nước. Tôi cho rằng, chúng ta phải làm đồng bộ tất cả những việc này thì mới ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng dân di cư tự do hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.