Gia tăng giá trị cho cây lúa
Tham gia đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12, đại biểu Nông dân Bùi Văn Tuấn- Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An) cho hay:
Được biết, phát biểu tại Hội nghị COP 28 vừa qua, Thủ tướng có nhấn mạnh và cho biết, Việt Nam chính là nước đầu tiên triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải như một cam kết cụ thể của Việt Nam trong việc triển khai hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải và Thủ tướng cũng là người trực tiếp làm việc với Ngân hàng Thế giới WB để dành khoản vay ưu đãi lên tới hơn 410 triệu USD để triển khai Đề án này.
HTX Cây Trôm chúng tôi cũng đang chuẩn bị kế hoạch để tham gia Đề án này. Vậy xin phép được hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ có chính sách gì để hỗ trợ đối với các nông dân, HTX tham gia sản xuất xanh, giảm phát thải, tiến tới được cấp phát tín chỉ xanh?
Trả lời đại biểu Tuấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mới đây, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Để thực hiện đề án nay, ngoài gói hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, An Giang là nơi tập trung cho trung tâm ngành hàng lúa gạo. Chúng tôi và tỉnh đã trao đổi về vấn đề đó.
Trong Festival lúa gạo mới đây, nếu HTX có thành viên càng đông thì vốn vay có ưu đãi càng thấp kèm theo nhiều hỗ trợ khác như về logistics... HTX không đứng riêng một mình mà phải liên kết với các doanh nghiệp khác để làm chuyên nghiệp, bài bản, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chúng ta phải tư duy lại, trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu, thân...Theo đó, HTX cũng phải tư duy lại và gia tăng chế biến, tận dụng các phụ phẩm của lúa để làm các sản phẩm khác để tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Chúng tôi đang hỗ trợ và xây dựng mô hình sản xuất lúa bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh vùng ĐBSCL. Sau đó nhân rộng ra nhiều tỉnh khác. Chúng ta phải biến ngành hàng lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị.
Mới đây, Thủ tướng đã thăm cánh đồng Đồng Tháp có HTX hơn 40 người thì chúng ta tạo ra ngành nghề gì trên cánh đồng và các hoạt động đa dạng như chế biến để thu nhập của chúng ta sẽ tăng lên cao gấp nhiều lần.
Sản xuất phải theo quy hoạch, theo tín hiệu thị trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời bổ sung: Chúng ta có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo 5% tấm của chúng ta bán đắt nhất thế giới. Chúng ta phải xây dựng thương hiệu và có thương hiệu mà không quy hoạch thì rất khó xuất khẩu được nhiều sản phẩm.
Người ta bán sản phẩm OCOP nhưng bán không được nhiều vì sản phẩm có hạn, xây dựng thương hiệu và quy hoạch kém. Đơn cử như cà phê, chúng ta phải xây dựng thương hiệu và quy hoạch bài bản, ổn định hơn đảm bảo được sản lượng cho thị trường.
Thứ 2 là phải có doanh nghiệp cung ứng đầu vào và lo đầu ra cho người dân. Thứ 3 là ngân hàng phải cho vay, làm nông nghiệp mà bắt phải nông dân vay như lĩnh vực khác như bất động sản là rất khó. Theo đó, chúng ta phải có chính sách ưu đãi vốn riêng cho NN với đặc thù riêng để bà con có thể tiếp cận vốn nhanh đầu tư vào sản xuất đạt hiệu quả cao.
Thứu 4 là xây dựng thương hiệu, bao bì, mẫu mã, thiết kế... Nếu chúng ta gói hàng đơn sơ như vào đùm mắm tôm sẽ có giá khác, rất thấp nhưng nếu có bao bì đẹp, mẫu mã bắt mắt sẽ bán đắt gấp nhiều lần.
Nhắn nhủ thêm với người dân, người đứng đầu Chính phủ căn dặn bà con phải tự chủ và phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường. "Chúng ta cần sản xuất cái mà thị trường cần chứ không nên làm cái mình có", Thủ tướng nhấn mạnh.