Nông dân nuôi tôm Bến Tre thu trăm tỷ muốn xây dựng hệ sinh thái tôm, Thủ tướng gợi ý đẩy mạnh liên kết
Nông dân nuôi tôm Bến Tre thu trăm tỷ muốn xây dựng hệ sinh thái tôm, Thủ tướng gợi ý đẩy mạnh liên kết
P.V
Thứ bảy, ngày 30/12/2023 17:08 PM (GMT+7)
Từ điểm cầu tỉnh Bến Tre, nông dân Việt Nam xuất sắc Đặng Văn Bảy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) đặt câu hỏi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân về vấn đề xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm.
Cụ thể, ông Đặng Văn Bảy đặt câu hỏi: "Con tôm Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 180 nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm hàng năm đạt 3,5 - 4 tỷ USD, trở thành mặt hàng chủ lực không chỉ ngành nông nghiệp, mà của cả nền kinh tế. Trong thời gian qua, ở một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển mô hình lúa - tôm hiệu quả khá tốt. Chính phủ cũng đã có chủ trương về xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp. Trong đó hệ sinh thái ngành tôm xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm. Xin phép được hỏi, thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn?".
Trả lời câu hỏi này của ông Đặng Văn Bảy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, lợi thế của ĐBSCL là nơi có nhiều mô hình sinh thái, tôm "ôm" lúa như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, lan tới Bến Tre, Trà Vinh. Như Thủ tướng đã nói, đây chính là nông nghiệp tuần hoàn.
Chỉ tiếc rằng vùng ĐBSCL chưa khai thác được thương hiệu gạo kèm với con tôm. Hiện bà con mới chỉ chú trọng bán tôm chứ chưa nghĩ tới bán gạo cây từ ruộng tôm. Đó là điều chúng ta cần thay đổi tư duy để có thể tận dụng hết những lợi thế của ngành nông nghiệp.
Vấn đề hạn chế đầu tiên của ngành tôm ở ĐBSCL chính là vấn đề môi trường. Dù đây không phải là vấn đề mới nhưng diễn ra đã lâu và ngày càng “nóng” nếu như chúng ta không nhanh chóng xây dựng lại ngành hàng có sự tham gia của HTX, kinh tế tập thể để cùng nhau giải quyết vấn đề này.
"Tôi cũng rất mong những người có tầm ảnh hưởng như anh Bảy có thể đứng ra hiệu triệu, kêu gọi bà con, nông dân cùng tham gia HTX, cùng xây dựng chuỗi liên kết, cấu trúc lại ngành hàng tôm để cùng nhau sản xuất an toàn. Vì nếu một ao nuôi ô nhiễm, thải ra môi trường rồi ao khác bơm nước vào thì vấn đề ô nhiễm sẽ nhanh chóng lan rộng, dịch bệnh theo đó cũng lây lan nhanh", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau môi trường thì vấn đề bất cập thứ hai của ngành tôm chính là con giống. Việc chưa kiểm soát được chất lượng con giống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của ngành tôm. Đây chính là điểm yếu kém của ngành nông nghiệp.
Và để giải quyết vấn đề nay, rất cần sự chung tay, liên kết của các hộ dân. Nếu càng cắt rời thì tính rủi ro càng cao, do đó tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là cần cấu trúc ngành hàng từ sản xuất cho tới doanh nghiệp, tới thị trường, kể cả bộ phận thương lái, những người cung cấp thức ăn, giống, vật tư đầu vào…
Trả lời câu hỏi của nông dân Đặng Văn Bảy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Đây cũng là mô hình tuần hoàn, tôm thải ra gì thì lúa có thể hấp thụ được và ngược lại. Muốn có hệ sinh thái tốt thì công tác quy hoạch vẫn là vấn đề đầu tiên.
Bên cạnh quy hoạch thì Nhà nước cũng sẽ có cơ chế chính sách, cụ thể là Nhà nước phải đi ký kết các hiệp định để có thị trường, lo được đầu ra cho bà con. Rồi có cơ chế chính sách lo đầu vào cho bà con, đó chính là bình ổn giá các mặt hàng phân bón, các loại sinh phẩm…
Thứ ba, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho bà con các vấn đề về vốn, rồi chế biến ra sao để có thể tận dụng được triệt để cả những phần mà trước tới nay chúng ta vẫn thường bỏ đi như đầu, vỏ tôm.
"Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, Nhà nước lo trên cơ sở bà con có liên kết sản xuất như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và phải có đề xuất rõ ràng, cụ thể", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Được biết, ông Đặng Văn Bảy là người tiên phong đi đầu trong việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, cũng là một nông dân tỷ phú đã từng được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Khi mới nuôi tôm, số vốn ban đầu của ông chưa tới 200 triệu đồng và 15.000m2 đất. Đến nay, ông Bảy đã mở rộng diện tích nuôi tôm lên đến 50ha, trong đó có 25ha chuyên dụng cho 40 ao nuôi theo mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín, sản lượng tôm thương phẩm đạt bình quân từ 15 đến 17 tấn/ha, trọng lượng 15 con/kg với giá bán từ 200.000 đến 250.000đ/kg.
Tổng sản lượng tôm nuôi của gia đình anh Bảy đạt 400 tấn/năm, tổng doanh thu mỗi năm từ 80 đến 100 tỷ đồng, lợi nhuận gần 30 tỷ đồng/năm.
Hiện tại anh Bảy đã giải quyết việc làm cho trên 80 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.