5 vấn đề nông dân Lâm Đồng kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ

P.V Thứ bảy, ngày 30/12/2023 15:20 PM (GMT+7)
Từ điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đại diện bà con nông dân trong tỉnh rất vui mừng khi được tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023. Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng có những kiến nghị rất thiết thực đến Thủ tướng.
Bình luận 0

Theo ông Bùi Văn Hùng, hiện nay, diện tích trồng dâu nuôi tằm tại Lâm Đồng có khoảng 10.000ha; với diện tích trồng dâu chiếm khoảng 70% diện tích trồng dâu cả nước, sản lượng kén tằm chiếm khoảng 80% cả nước. Lâm Đồng cũng đã triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023. 

Bà con nông dân trồng dâu, nuôi tằm trong những năm gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập trên một đơn vị diện tích cao hơn gấp 2-3 lần so với một số cây công nghiệp (cà phê, chè, tiêu, điều). Vì vậy, ngành dâu tằm đã có thể cạnh tranh và phát huy lợi thế so sánh với các cây trồng khác trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, phát triển ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung thực sự chưa bền vững; vì hiện nay nguồn trứng giống tằm chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (do việc sản xuất trứng tằm lưỡng hệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng và hiệu quả để phục vụ sản xuất; mặt khác Trung Quốc chưa cho phép chúng ta nhập khẩu theo đường chính ngạch; bình quân mỗi năm Lâm Đồng nhập khẩu trứng giống tằm trên 300.000 hộp/năm từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch).

5 vấn đề nông dân Lâm Đồng kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ  - Ảnh 1.

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng gửi 5 kiến nghị đến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023.

"Bà con nông dân Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu trứng giống tằm theo đường chính ngạch từ Trung Quốc; đồng thời chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu sản xuất trứng giống tằm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng và hiệu quả để phục vụ sản xuất cho bà con nông dân", ông Hùng nói.

Đối với việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị tăng mức hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết từ ngân sách nhà nước (theo quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ là 30%); hoặc là không phải tổ chức đấu thầu theo quy định tại Luật đấu thầu (Dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên phải đấu thầu) đối với Dự án liên kết có mức hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết từ ngân sách nhà nước là 30%.

Xem xét đơn giản thủ tục hành chính tiếp cận và gải ngân vốn ngân sách nhà nước đối với: Cá nhân, Nông dân, Hợp tác xã (đối tượng áp dụng theo quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ); vì theo quy định hiện nay thủ tục giải ngân nguồn hỗ trợ này rất phức tạp, tốn kém chi phí và thời gian.

5 vấn đề nông dân Lâm Đồng kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ  - Ảnh 2.

Lãnh đạo, nông dân tỉnh Lâm Đồng theo dõi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Bùi Long.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay việc xin cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đối với sản phẩm nông nghiệp là rất cần thiết cho việc xuất khẩu theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua việc cấp mã số vùng trồng chủ yếu là cho các doanh nghiệp (doanh nghiệp mới có đủ khả năng kinh phí, điều kiện để lập hồ sơ thủ tục); còn Hợp tác xã (người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm) thì khó có điều kiện xin cấp mã số vùng trồng nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước; mặt khác nếu cấp mã số vùng trồng cho Doanh nghiệp, mà Doanh nghiệp đó không phải là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm thì rất khó quản lý mã số sau khi được cấp và rất dễ xảy ra xung đột giữa Doanh nghiệp với Hợp tác xã (người bị ảnh hưởng khi xung đột xảy ra chính là nông dân).

"Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế, chính sách thuận lợi nhất để Hợp tác xã có điều kiện thuận lợi trong việc xin cấp mã số vùng trồng", ông Hùng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ tư, theo ông Hùng, hiện nay, trong hệ thống Hội Nông dân các cấp đang đẩy mạnh việc hình thành và phát triển Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp; cả nước đến nay có 3.165 Chi hội Nông dân nghề nghiệp - với 72.673 hội viên, 26.419 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp - với 381.758 hội viên; hoạt động của Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh và giúp cho Nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Mặt khác, theo Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; đã xác định: hàng năm thành lập mới 5.000 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, 500 Chi hội Nông dân nghề nghiệp.

"Đề nghị Chính phủ xem xét quy định Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp được hưởng các chính sách của Nhà nước như Tổ hợp tác, Hợp tác xã đã được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024); đồng thời xem xét quy định Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp được hưởng chế độ phụ cấp như chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ", ông Hùng kiến nghị.

Hiện nay và trong thời gian tới sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, …, cũng như kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch (du lịch canh nông) nên cần phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ; vì vậy kiến nghị Chính phủ nên có quy định về tỷ lệ diện tích đất được phép xây dựng trên diện tích đất quy hoạch nông nghiệp, để có cơ sở đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem