Hiện xã Tân Duyệt có hơn 1.100 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, chiếm 25% diện tích nuôi thuỷ sản của xã. Riêng tôm nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn có 194 ha, chiếm hơn 16% tổng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến.
Khó khăn hiện nay trên địa bàn là môi trường nước phục vụ nuôi thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, xuất hiện nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trên tôm. Các ao đầm nuôi tôm, đặc biệt là ao nuôi tôm truyền thống quy mô hộ gia đình canh tác đã lâu, ít cải tạo, chưa phơi đầm và nuôi ngắt vụ; từ đó mầm bệnh trong vuông tôm xuất hiện nhiều.
Ông Trương Văn Phúc ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 9 năm nay. Với gần 4 ha, mỗi tháng ông sử dụng vi sinh 2 lần, giúp giải quyết môi trường nước, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm.
Ông bơm nước vào ao chứa riêng và đánh vi sinh trước khi bơm vào vuông nuôi tôm. Bình quân 2 tháng thả tôm 1 lần, 50 ngàn con giống, mỗi tháng ông đặt lú bắt tôm vào 2 con nước, trung bình 60 kg tôm, tôm đạt trọng lượng từ 25-30 con/kg.
Ông Trương Văn Phúc, chia sẻ: “Sau khi thực hiện mô hình này, tôi thấy rất hiệu quả, bình quân mỗi con nước xổ đều có lợi nhuận cao nên tôi sẽ tiếp tục duy trì, cũng như hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm cho nhiều hộ khác cùng làm”.
Ông Trần Văn Thông cùng ở ấp Tân Thành, có 2 ha đất sản xuất kết hợp vừa nuôi truyền thống, vừa nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, hiệu quả ổn định.
Ông Trần Văn Thông, nông dân nuôi tôm ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) có nguồn thu ổn định nhờ kết hợp hiệu quả giữa nuôi tôm theo cách truyền thống và quảng canh cải tiến 2 giai đoạn.
Ông Huỳnh Thanh Lâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Thành, cho biết: “Những hộ dân nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn trên địa bàn ấp kinh tế ngày càng ổn định. Ấp sẽ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình này thời gian tới hiệu quả hơn”.
Nuôi tôm quảng canh cải tiến nói chung, quảng canh cải tiến giai đoạn nói riêng, là 1 trong 7 mô hình sản xuất hiệu quả của xã được huyện Ðầm Dơi chọn triển khai nhân rộng. Năm 2023, xã Tân Duyệt nhân rộng được 260 ha, với 40 hộ tham gia thực hiện.
Xã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai nhân rộng cách ngắt vụ phơi đầm, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn và ứng dụng chế phẩm sinh học cho 10 hộ, diện tích 28,4 ha tại Tổ hợp tác nuôi tôm quảng canh cải tiến ấp Tân Thành.
Ðây là mô hình được tập huấn và thực nghiệm, bước đầu hiệu quả khá cao, không cần nhiều vốn, kiểm soát được dịch bệnh, cải thiện môi trường nước trong vuông tôm, sản sinh các loại thức ăn có lợi cho tôm nuôi.
Ðiển hình như hộ ông Trương Minh Hiếu, Trương Văn Phúc ở ấp Tân Thành duy trì thực hiện thành công từ năm 2014 đến nay, mỗi năm lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng.
Hiện nay, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn ứng dụng chế phẩm sinh học trở thành hướng sản xuất chủ đạo trong nuôi thuỷ sản của xã Tân Duyệt, do tỷ lệ thành công khá cao, so với nuôi tôm quảng canh truyền thống. Theo kế hoạch, năm 2024, xã sẽ nhân rộng, phấn đấu đạt tổng diện tích mô hình quảng canh cải tiến và quảng canh cải tiến 2 giai đoạn lên 360 ha.
“Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất tỉnh Cà Mau, với hơn 62.000 ha. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có không ít mô hình sản xuất mới, sáng kiến mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng.
Trong đó phải kể đến nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Ðây là mô hình hiệu quả đang được huyện tiếp tục duy trì đối với những hộ đã thực hiện và nhân rộng thêm cho nhiều nông dân khác học tập làm theo, để phát triển kinh tế gia đình ổn định hơn”, ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, (tỉnh Cà Mau) cho biết.