Chiều ngày 08/01, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Trao quyết định chi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn.
Tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, tân Chủ tịch của PVN cho biết, kết thúc năm 2023, Petrovietnam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, toàn diện; hầu hết các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, một số chỉ tiêu trọng yếu tăng trưởng cao so với năm 2022 và xác lập nhiều kỷ lục mới sau 62 năm lịch sử ngành dầu khí.
Công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí tiếp tục thực hiện thành công, trong đó năm 2023 đạt 13,0 triệu tấn, vượt 8,3% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% so với kế hoạch Ủy ban giao, bằng 92% so với khả năng khai thác của Petrovietnam. Hệ thống các đường ống và nhà máy xử lý khí được vận hành an toàn, cung cấp tối đa theo nhu cầu của các hộ tiêu thụ; sản lượng khí khô năm 2023 đạt 7,18 tỷ m3, vượt 23,2% kế hoạch năm.
Về cân đối tài chính, PVN cho biết, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022 Tập đoàn thiết lập (931,2 nghìn tỷ đồng), tương đương 9,2% GDP cả nước.
Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch năm, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng; năm 2023 đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 57,0% kế hoạch năm. Tối đa hiệu quả và tối ưu chi phí, thực hành tiết kiệm toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% so với kế hoạch.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương PVN đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và trong xử lý các dự án kéo dài.
Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ, không được say sưa, thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là bởi còn rất nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề tồn đọng, nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết; tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp trong thực thi nhiệm vụ, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Bên cạnh đó, cần giữ vững, phát huy đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm; chú trọng và tăng cường công tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D) để tận dụng các cơ hội mới, có các sản phẩm mới, nhất là trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ với quan điểm công tác nhân sự là khâu then chốt của then chốt và quyết định mọi vấn đề, cần thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, minh bạch, khách quan, công tâm, bảo đảm lựa chọn được cán bộ thực sự có năng lực và được sự tín nhiệm.
"Tiếp tục củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm. Trong đó, cần sớm kiện toà6n chức danh Tổng Giám đốc Tập đoàn", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bám sát tình hình trong nước và quốc tế để quản trị tốt biến động, tập trung công tác dự báo, đánh giá dư địa, động lực tăng trưởng tại các lĩnh vực kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế nội bộ, công khai, minh bạch thông tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiểm soát rủi ro.