"PVN cũng để lại nhiều tai tiếng, tốn nhiều tiền của và cán bộ để khắc phục hệ lụy"

PVKT Thứ tư, ngày 15/06/2022 17:56 PM (GMT+7)
Đóng góp vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều đại biểu lưu ý đến "hai vai", một vai là nhà đầu tư và vai còn lại là cơ quan quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được đề cập trong dự án Luật này.
Bình luận 0

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 15/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm của PVN, dễ phát sinh tiêu cực

Góp ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) tham gia trực tiếp vào một số nội dung.

Về nội dung phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu thống nhất với những căn cứ đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Tuy nhiên, theo đại biểu quy định nội dung này chưa đầy đủ và cân đối so với tổng thể của dự thảo luật.

Một là, điều tra cơ bản về dầu khí chỉ gồm 5 điều trong tổng số 64 điều của toàn bộ dự thảo luật là quá ít, trong khi nhiều nội dung liên quan chưa được điều chỉnh.

Hai là, phạm vi điều chỉnh bao gồm cả đất liền và hải đảo, nhưng quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí chỉ tập trung ở vùng biển, chưa quy định ở đất liền và hải đảo, nhất là vùng phức tạp về an ninh, quốc phòng.

Ba là, thực hiện điều tra cơ bản của dầu khí bao gồm cả tổ chức và cá nhân nhưng không thấy có điều khoản nào quy định về nội dung, trình tự, thủ tục thẩm quyền để cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.

"PVN để lại nhiều tai tiếng, tốn nhiều tiền của và cán bộ khắc phục hệ lụy" - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy. (đoàn Bến Tre)

Nội dung thứ hai điều tra cơ bản về dầu khí. Dự thảo luật quy định một chương và 5 điều, dự thảo nghị định có 4 điều hướng dẫn chi tiết về hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí nhưng vẫn chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và chưa đảm bảo khả năng thực thi trong thực tiễn.

Về nội dung thứ ba, chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN. Theo đại biểu, ngoài 5 điều được quy định tại Chương IX, dự thảo luật còn dành 34 khoản trong 21 điều quy định về thẩm quyền của PVN.

"Tôi thấy rất nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực", đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Lấy dẫn chứng, đại biểu cho biết: Có lúc thì PVN đóng vai trò của nhà thầu như quy định tại Điều 23, Điều 32 và Điều 33, có lúc PVN đóng vai trò của Công ty mẹ như quy định tại Điều 35 và Điều 36, có lúc PVN lại gần như đóng vai trò quản lý nhà nước như tại các điều từ Điều 37 đến Điều 45.

Đồng thời, các Điều 39, 40, 43 quy định thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công Thương nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%.

Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, phân định rạch ròi quyền và trách nhiệm tương ứng. Đồng thời làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, PVN là doanh nghiệp nhà nước thì có được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dầu khí hay không? Nếu có, khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí thì PVN chịu sự điều chỉnh theo pháp luật nào, ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này?

Thứ hai, PVN chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung do PVN thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định, phê duyệt gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho nhà nước.

Thứ ba, áp dụng quy định pháp luật nào để xây dựng dự thảo tại khoản 9 Điều 53. Theo đó, PVN được coi là không vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước khi tham gia cùng với doanh nghiệp có vốn góp của PVN mua lại quyền quyền ưu tiên, mua lại quyền tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Dự liệu những hậu quả có thể xảy ra trong những vai trò của PVN

Cũng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến về "hai vai" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, PVN xuất hiện với tư cách là một bên ký hợp đồng, có lúc xuất hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước.

Như vậy, nếu như có tranh chấp xảy ra có thể quy trách nhiệm mặc dù có thể hợp đồng không vi phạm nhưng cơ quan quản lý nhà nước có lỗi trong quá trình thực thi quản lý nhà nước khi phê duyệt cái này, phê duyệt cái kia hay là chậm trễ trong việc phê duyệt chẳng hạn.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị xác định vấn đề này cho rõ và dự liệu những hậu quả có thể xảy ra trong những vai trò của PVN.

"PVN để lại nhiều tai tiếng, tốn nhiều tiền của và cán bộ khắc phục hệ lụy" - Ảnh 3.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh)

Có đóng góp cho ngành dầu khí, nhưng PVN cũng để lại nhiều tai tiếng

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho hay, PVN là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có tính đặc thù cao.

Trong nhiều năm qua, PVN đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển ngành dầu khí Việt Nam và nền kinh tế của đất nước rất đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, PVN cũng để lại nhiều tai tiếng về những sai phạm, tiêu cực, gây ra nhiều hệ lụy cho đất nước, phải mất nhiều năm, tiêu tốn nhiều tiền của và phải mất nhiều cán bộ để khắc phục.

Vì vậy, theo đại biểu việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới về tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ hành lang pháp lý nhằm đào tạo điều kiện cho PVN tiếp tục phát triển xứng tầm và xứng đáng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp, đồng thời khắc phục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hoạt động, những hạn chế, sơ hở pháp luật là nguyên nhân cho những tiêu cực là cần thiết.

"PVN để lại nhiều tai tiếng, tốn nhiều tiền của và cán bộ khắc phục hệ lụy" - Ảnh 4.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng. (đoàn Quảng Trị)

Theo đó đại biểu, cần tiếp cận giải quyết 2 vấn đề cơ bản.

Trước hết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước, nhất thiết phải hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, bảo đảm công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều đó cũng sẽ tạo ra môi trường tốt cho PVN vươn lên trong thế cạnh tranh lành mạnh để đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, không dựa dẫm, ỷ lại vào thế độc quyền.

Thứ hai, ở vị trí là một doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, PVN được hưởng những cơ chế đặc thù là phù hợp, là công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi.

Tuy nhiên, cả hai đặc điểm cơ bản này trong dự thảo luật chưa làm rõ, chưa tách bạch để thiết kế hành lang pháp lý cho phù hợp. Đây chính là hạn chế căn bản cần khắc phục theo hướng chuyển hóa đặc điểm và yêu cầu này vào nội dung ở Chương IX về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay từ xây dựng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đến thiết kế chính sách đặc thù, có như vậy mới đảm bảo giải quyết hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ, công bằng và bình đẳng trong hoạt động của PVN mà không xung đột với các quy định của các đạo luật khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem