''Siêu dự án" lọc hoá và dự trữ xăng dầu 19 tỷ USD của PVN có thực sự cần thiết?

An Linh Chủ nhật, ngày 05/03/2023 11:51 AM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp thu ý kiến, xem tính khả thi của "siêu dự án" lọc hoá và dự trữ xăng dầu 19 tỷ USD và có thực sự cần thiết không khi Việt Nam đang tiến tới xoá bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu?
Bình luận 0

Cần tiếp thu, xem tính khả thi siêu dự án lọc hoá và dự trữ xăng dầu 19 tỷ USD

Trước đó, trong tháng 7/2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có báo cáo Bộ Công Thương về đề xuất đầu tư tổ hợp lọc hoá và dự trữ dầu thô, xăng dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mức khái toán của dự án lên đến 19 tỷ USD.

Tháng 12/2022, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng về việc xây dựng Tổ hợp lọc hoá dầu và Kho dự trữ quốc gia về dầu thô, xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) với quy mô hơn 19 tỷ USD.

Xem xét tính khả thi của ''siêu dự án" lọc hoá và dự trữ xăng dầu 19 tỷ USD ở Vũng Tàu - Ảnh 1.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, PVN lắng nghe ý kiến và xem xét tính khả thi của siêu dự án lọc hoá và dự trữ xăng dầu 19 tỷ USD đề xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong báo cáo của Bộ Công Thương, siêu dự án này sẽ được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn một sẽ sản xuất hơn 12-13 triệu tấn dầu thô/năm. cùng nhiều sản phẩm hoá dầu, ethanon.

Giai đoạn 2, dự án sẽ chuyển hướng sang sản xuất 5,5-7,5 triệu tấn hoá dầu các loại, sản xuất giới hạn 3-5 triệu tấn xăng dầu. Ngoài ra còn dự trữ hơn 1 triệu tấn dầu thô và hơn 500.000 m3 xăng dầu/năm cho Việt Nam.

Theo đề án của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn và sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025 rồi lên tới 33 triệu tấn vào năm 2030 và tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan được giao nghiên cứu các nội dung liên quan đến dự án trong quá trình hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch tổng thể về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu PVN phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để đánh giá cụ thể về tính khả thi, hiệu quả của Dự án theo quy định của pháp luật.

Ngay sau khi Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về siêu dự án lọc hoá dầu 19 tỷ USD, nhiều bộ, ngành đề xuất Bộ Công Thương và PVN cần cân đối dòng tiền để đảm bảo nguồn lực đầu tư khi dự án có vốn đầu tư rất lớn.

Ngoài ra, khi đề cập đến xây dựng dự án với số vốn lớn kể trên cần tính toán, xác định quy mô, tiến độ đầu tư phù hợp và đề xuất bổ sung dự án vào các quy hoạch ngành liên quan. PVN cần đánh giá tình hình thăm dò, khai thác dầu khí trong nước, khả năng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu ổn định, lâu dài làm nguyên liệu đầu vào của dự án.

Có cần thiểt không khi Việt Nam đang tiến tới bỏ thuế nhập xăng dầu?

Trong năm 2022, Việt Nam nhập hơn 8,8 triệu tấn xăng dầu các loại và hơn 10 triệu tấn dầu thô, tổng kim ngạch trên 17 tỷ USD. Trong đó xăng dầu thành phẩm từ Hàn Quốc là 3,2 triệu tấn; Malaysia là 1,4 triệu tấn, và Singapre là 1,4 triệu tấn và Thái Lan là 1 triệu tấn. Bốn đối tác này chiếm gần 80% lượng xăng dầu nhập của Việt Nam. Điều đáng nói, đây đều là các thị trường mà thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu rất thấp.

Với xăng dầu từ Hàn Quốc, Việt Nam cam kết thực hiện thuế suất 8% từ nay đến hết năm 2027, còn đối với xăng dầu từ các nước CPTPP (trọng tâm là Nhật Bản), Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với xăng các loại xuống 8% vào năm 2024, xuống 7% vào năm 2026 trở đi.

Với xăng các loại nhập từ Malaysia, Singapore và Thái Lan, Việt Nam giảm thuế suất thuế nhập khẩu 5% vào năm 2023, và 0% vào năm 2024; riêng dầu diesel và mazut, Việt Nam đã bỏ thuế nhập từ năm 2016 theo khuôn khổ hiệp định ATIGA.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi đề xuất dự án và báo cáo tiền khả thi, PVN cần làm rõ các vấn đề liên quan trực tiếp đến siêu dự án này như: Vốn ở đâu? hoạt động ra sao, công nghệ thế nào và hiệu quả cạnh tranh về giá của sản phẩm ra sao. Thực tế Việt Nam không có lợi thế so sánh với nhiều nước khi xây dựng các dự án lọc hoá dầu khi phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu, nguồn vốn phải đi vay và công nghệ vẫn phụ thuộc nước ngoài.

Hai dự án lọc hoá dầu Dung Quất và Nghi Sơn dù vận hành hiệu quả và Dung Quất có lãi, đóng góp lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải sử dụng nhiều biệt đãi chính sách thuế phí và đầu tư, bảo hộ giá và bao tiêu… 

Trong bối cảnh, Việt Nam đã ký và gia nhập nhiều hiệp định tự do thương mại với cơ chế bãi bỏ thuế suất thuế nhập xăng dầu thời gian tới, tính hiệu quả cửa đại dự án cần được xem xét cẩn trọng để dành nguồn lực cho các dự án có hiệu quả hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem