Dịp cuối năm là cơ hội để người dân làng gốm Thanh Hà có lịch sử hình thành lâu đời hơn 500 tuổi có thể bán các sản phẩm từ gốm, thu hút du khách gần xa tìm đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là đến chiêm ngưỡng những linh vật Tết có hình dáng kỳ thú và độc đáo.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (40 tuổi, phường Thanh Hà) cho biết: "Mỗi năm, các nghệ nhân trong làng làm tượng linh vật Tết để trưng bày ở làng gốm. Năm nay cũng vậy, các nghệ nhân đang nhào nặn linh vật rồng để chuẩn bị trưng bày và bán cho khách du lịch".
Từ nguồn đất được phù sa sông Thu Bồn bồi đắp, anh Hoàng nhào nặn để tạo được đất sét mịn, mềm dẻo và nhuyễn. Sau đó anh đắp đất dựng phôi, tạo hình cho tượng rồng. Vì thời tiết cận Tết thường mưa lạnh, ít nắng, nên tượng đất ráo đến đâu thì anh sẽ đắp đến đó.
Làm tượng rồng rất công phu và đòi hỏi người thợ phải nhẫn nại, tỉ mỉ và có khiếu nghệ thuật. Anh Hoàng mất khoảng 20 ngày để hoàn thiện 2 linh vật hình rồng. Nếu trời nắng tốt, thì sau 5 ngày phơi tượng sẽ khô hoàn toàn và sẽ được mang đi nung trong lò điện. Tượng phải được phơi khô mới đảm bảo khi nung không bị nứt nẻ.
Anh Hoàng chia sẻ: "Phần đầu của con rồng là công đoạn khó làm nhất, bởi vì nó tập trung nhiều chi tiết tạo nên cái "hồn" của linh vật, từ mắt, mũi, râu, miệng, sừng... đều phải sắc nét, tinh xảo, toát lên được vẻ đẹp hình tượng thiêng liêng, cao quý, đầy vẻ uy quyền.
Bên cạnh đó, việc đắp tạo phôi cũng rất quan trọng, yêu cầu người thợ phải cẩn thận, không vội vàng, có như thế mới tạo dựng được phôi tượng chắc chắn, để đảm bảo an toàn trong quá trình nung và sản phẩm dùng được lâu".
Hiện anh Hoàng đã xong khâu tạo hình cho 2 tượng rồng có chiều dài 90cm, cao 55cm. Sau khi đem phơi nắng và nung hoàn thiện thì 2 linh vật rồng này sẽ được trưng bày ở đầu làng gốm Thanh Hà, để người dân và du khách có thể đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Bắt tay làm từ đầu tháng 11 âm lịch, anh Lê Văn Nhật (36 tuổi) cũng đang gấp rút hoàn thành 2 tượng linh vật rồng năm 2024. Do thời tiết không thuận lợi nên anh bị nhiều gián đoạn sản xuất và hiện đang tỉ mỉ tạo chi tiết cho phần thân rồng.
Với ý tưởng rồng cuộn bùng binh, anh Nhật đắp tạo phôi bùng binh trong 5 ngày, sau đó mới đắp tạo phôi con rồng cuộn xung quanh.
Theo anh Nhật, để làm sản phẩm rồng cuộn bùng binh thì công đoạn nào cũng khó. Nếu khâu tạo phôi bùng binh không vững chắc thì sẽ không đỡ được phôi rồng cuộn. Thêm vào đó, thời tiết mưa lạnh nên quá trình đắp tạo phôi cũng gặp nhiều trở ngại.
Đến công đoạn tạo hình chi tiết cho các bộ phận trên con rồng cũng rất tỉ mỉ, khéo léo và trau chuốt. Anh Nhật miệt mài tạo hình cho từng chiếc vảy, lông, móng, nanh, răng.... Để tạo nên một tác phẩm hài hòa giữa bùng binh và tượng rồng, anh đã chăm chỉ tìm tòi, học hỏi thêm nhiều kỹ thuật.
Nếu nung bằng lò củi thì mất khoảng 30 giờ, bằng lò điện thì 20 giờ. Sau khi nung, sản phẩm sẽ được giữ nguyên màu gốm đỏ truyền thống của làng gốm Thanh Hà. Ngoài 2 tượng rồng cuộn bùng binh, anh Nhật còn chuẩn bị tạo nhiều tác phẩm tượng rồng khác để phục vụ nhu cầu khách hàng tăng cao dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Anh Nhật bộc bạch: "Trong 12 con giáp thì rồng là con vật tâm linh trừu tượng, chưa thấy ngoài đời thực. Trong tứ linh Long – Lân – Quy – Phụng, rồng là linh vật đứng đầu tiên, đại diện cho uy quyền lãnh đạo tối cao, thể hiện sức mạnh vô biên, mang tới sự bội thu và giúp vạn vật sinh sôi.
Năm Giáp Thìn 2024 là năm con rồng theo quan niệm Đông Phương, là linh vật mạnh, có ý nghĩa thịnh vượng, cát lành. Chính vì thế, khi tạo hình linh vật rồng, tôi và nhiều nghệ nhân làng gốm truyền thống Thanh Hà đã chủ động học hỏi, nghiên cứu và trao dồi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác tượng rồng sao cho sinh động, đẹp mắt và có giá trị nghệ thuật cao".
Mỗi nghệ nhân sẽ có một sự thăng hoa trong cảm xúc nghệ thuật, từ đó cho ra những sản phẩm khác nhau về hình dáng, "hồn cốt", tạo nên ý nghĩa riêng biệt, góp phần phát triển làng nghề gốm truyền thống Thanh Hà ngày càng lớn mạnh.