Dân Việt

Đối ngoại Việt Nam 2023: 28 lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam trong năm qua

V.N 11/01/2024 18:25 GMT+7
Nhìn lại quan hệ đối ngoại của Việt Nam năm 2023, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Các hoạt động đối ngoại, đặc biệt đối ngoại cấp cao của Việt Nam diễn ra sôi động, rộng khắp cả trên bình diện song phương và đa phương.
Đối ngoại Việt Nam 2023: 28 lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam trong năm qua- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi gặp gỡ nhân sĩ, trí thức tại Hà Nội tháng 12/2023. Ảnh: Viết Niệm.

Tại họp báo thường kỳ đầu tiên của năm 2024 diễn ra chiều nay 11/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã tổng kết lại những thành công của đối ngoại Việt Nam năm 2023. 

Người phát ngôn cho biết: Năm qua đã có 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến các nước láng giềng, nước đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống, tham dự các hội nghị quốc tế chủ chốt; 28 chuyến thăm lãnh đạo cấp cao các nước tới  Việt Nam. Ngoài ra còn có hàng trăm các cuộc tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương.

Đây là minh chứng rõ nét cho nền đối ngoại mang bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam.

Đối ngoại Việt Nam 2023: 28 lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam trong năm qua- Ảnh 2.

Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Phạm Hưng.

Quan hệ với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản đã được nâng lên tầm cao mới.

Việt Nam khẳng định vai trò tại các diễn đàn cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, APEC, Tiểu vùng Mekong, UNESCO…

Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh lấy địa phương, doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ngoại giao kinh tế đóng góp phần xứng đáng vào phát triển kinh tế xã hội. Xuất nhập khẩu đạt 680 tỉ USD, FDI 36,6 tỉ USD, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Về ngoại giao văn hóa, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO.

Trong công tác bảo hộ công dân, Việt Nam theo dõi sát sao và bảo hộ hàng trăm ngư dân, đưa về nước hàng nghìn ngư dân từ các vùng khó khăn, xung đột như Myanmar.

Đời sống và địa vị pháp lý của công dân Việt Nam ngày càng được bảo đảm, ổn định, đóng góp vào các nước sở tại, là cầu nối hữu nghị hợp tác với các quốc gia thế giới.