Dân Việt

Năm Thìn làm kiểng rồng, hễ năm hết tết đến, ông nông dân Bến Tre thu tiền rủng rỉnh

Trần Đáng 17/01/2024 05:30 GMT+7
Giới chơi kiểng thú ở miền Tây Nam bộ nhiều người biết đến Nghệ nhân làm kiểng thú Năm Công (Nguyễn Văn Công, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), nhưng ít ai biết đâu là con giáp đầu tiên lão nghệ nhân này làm.

Theo ông Năm Công, con giáp đầu tiên ông làm là con rồng. Đây cũng là con giáp nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập kiểng thú 12 con giáp nổi tiếng của nghệ nhân có thâm 40 năm với nghề làm kiểng thú này.

Năm Thìn làm kiểng rồng, hễ năm hết tết đến, ông nông dân Bến Tre thu tiền rủng rỉnh- Ảnh 1.

Nghệ nhân làm kiểng thú Năm Công (Nguyễn Văn Công, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đang hoàn tất công đoạn cuối của linh vật rồng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: T.Đ

Cấp tập làm kiểng thú linh vật rồng giao khách

Vào những ngày cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã áp lưng, tại cơ sở làm kiểng thú của ông Năm Công không khí làm hàng giao khách càng ráo riết.

Theo ông Năm Công, Tết Giáp Thìn 2024 này, cơ sở của ông nhận đặt làm 20 cặp rồng, có cặp rồng dài khoảng chục mét. Hiện, số kiểng rồng này đang trong giai đoạn tỉa tót, gắn kỳ, gắn mang… trước khi giao khách đặt hàng.

"Kiểng thú mỗi năm khách đặt hàng làm đều khác nhau. Ví như năm nay là năm Thìn nên bà con chơi kiểng sẽ trưng linh vật rồng nhiều hơn. Vì vậy, năm nay tôi làm 20 cặp rồng giao khách", ông Năm Công thổ lộ.

Ông Năm Công cho biết, ông khởi nghiệp làm kiểng thú đến nay hơn 40 năm. Trong 12 con giáp của năm, ông thích làm con rồng nhất, nên con đầu tiên ông chọn làm là con rồng, trùng hợp vào năm Thìn (1976). Tuy nhiên, theo ông Năm Công, làm linh vật rồng kiểng khó nhất là làm cái đầu rồng. Làm sao khi làm xong đầu rồng phải thể hiện được sự mạnh mẽ, oai phong...

"Ngay ban đầu bắt tay vào làm kiểng thú với linh vật rồng tôi khá vất vả. Tôi phải bỏ nhiều lần vì làm xong không ra dáng con rồng", ông Năm Công bộc bạch.

Với sự đam mê, cần cù, sáng tạo, cuối cùng ông Năm Công cũng vượt ba bài toán khó là làm linh vật rồng gần như thật nhất. Tết Nguyên đán Kỷ Mùi (1979), ông Năm Công chở 4 cặp kiểng rồng đi bán chợ Tết ở TP.HCM.

Năm Thìn làm kiểng rồng, hễ năm hết tết đến, ông nông dân Bến Tre thu tiền rủng rỉnh- Ảnh 2.

Dù tuổi đã cao, Nghệ nhân làm kiểng thú Năm Công (Nguyễn Văn Công, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) vẫn miệt mài làm kiểng thú. Ảnh: T.Đ

Tuy nhiên, giới chơi kiểng ở Nam bộ biết đến ông Nam Công nhiều nhất là việc 1980 ông làm cặp kiểng rồng dài khoảng 7m, cao khoảng 2m bằng cây sanh với giá 15 triệu đồng, đặt tại nhà Bảo tàng tỉnh Bến Tre.

Ông Năm Công chia sẻ, muốn làm kiểng thú thành công, thu hút được khách hàng, nhất là linh vật rồng, thì người làm kiểng thú tạo hình linh vật phải có hồn.

"Bên kiểng thú, khó nhất là làm linh vật 12 con giáp, bởi mỗi con mỗi vẽ khác nhau. Làm sao khi bẻ khung sườn phải đúng linh vật, phải duyên dáng. Và đặc biệt khi hoàn thành linh vật phải có hồn", ông Năm Công bộc bạch.

Ngoài khung sườn khi bẻ phải sát với hình mẫu linh vật, người thợ làm thú kiểng còn phải còn phải chọn vật liệu, chủ yếu là cây xanh, sao cho phù hợp.

Ông Năm Công cho biết, linh vật rồng đầu tiên ông làm bằng cây mai hương lá nhỏ. Tuy nhiên, do mai hương dễ chết, dễ mất uy tín, nên ông chuyển sang làm linh vật rồng hay linh vật 11 con giáp khác bằng cây sanh. Sau vài năm làm kiểng thú, ông Năm Công thấy cây sanh cứng dễ gãy khi uốn cong tạo dáng, ông lại chuyển sang lấy cây si làm nguyên liệu cho kiểng rồng do cây si thân dẽo, dễ uốn, dễ trồng.

Làm kiểng thú linh vật rồng sống khỏe

Năm Thìn làm kiểng rồng, hễ năm hết tết đến, ông nông dân Bến Tre thu tiền rủng rỉnh- Ảnh 3.

Nghề làm kiểng thú giúp gia đình Nghệ nhân làm kiểng thú Năm Công (Nguyễn Văn Công, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và nhân công sống khỏe. Ảnh: T.Đ

Theo ông Năm Công, thời điểm đỉnh cao trong làm và bán kiểng rồng là giai đoạn 2000 - 2013. Thời gian đó, trong nước mỗi năm ông Năm Công bán khoảng 200 con rồng lớn nhỏ (dài 2 - 55m). Năm 2013, bằng đường thủy, ông Năm Công đưa kiểng rồng sang Singapore, Úc, Campuchia bán và hướng dẫn chăm sóc.

Hiện, bên cạnh làm kiểng rồng, ông Năm Công còn làm kiểng thú các con vật, lộc bình, bình trà, bộ chữ ở cổng chào… và nhất là linh vật 12 con giáp.

"Từ ngày làm kiểng thú kinh tế gia đình ổn định, sống khỏe. Tôi còn tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương. Nghề làm kiểng thú giúp họ kiếm gạo được quanh năm", ông Năm Công cười vui.