Đồng Tháp: Người đàn ông sở hữu cơ ngơi bề thế với hàng ngàn chậu cây cảnh bonsai hiếm gặp

Thứ sáu, ngày 12/01/2024 19:02 PM (GMT+7)
Từ nghề cây cảnh, nay ông đã tậu cơ ngơi bề thế với hàng ngàn chậu kiểng bonsai hiếm gặp, trong đó nhiều cây được xác lập kỷ lục, với giá trị cả chục tỷ đồng tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).
Bình luận 0

Nghề cây cảnh - Nghề chọn người

Trong thời gian tất bật chuẩn bị Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) lần đầu tiên diễn ra từ 30/12/2023 đến 5/1/2024, chúng tôi đã gặp gỡ một thợ sửa kiểng (cây cảnh) độc đáo sở hữu vườn nhà kiểng bonsai nhiều cây trị giá hàng tỷ đồng.

Đồng Tháp: Người đàn ông sở hữu cơ ngơi bề thế với hàng ngàn chậu cây cảnh bonsai hiếm gặp- Ảnh 1.

Vườn cây cảnh bonsai của ông Lộc là nơi để nhiều người học sửa kiểng bonsai và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Thợ sửa kiểng là ông Nguyễn Phước Lộc (53 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). 40 năm trước, ông Lộc là sinh viên Đại học Bách Khoa (TP.HCM). Thời điểm này gia đình khó khăn, ông phải xin ở trong ký túc xá của nhà trường.

Được chừng một năm, ông xin ra ngoài ở trong kiốt bán hoa kiểng của mẹ để vừa học tập và phụ bán hoa kiểng theo nghề truyền thống của gia đình. "Thời điểm này là năm 1993, lúc này, phong trào chơi cây kiểng bonsai trỗi dậy và thịnh hành trên đất Sài Gòn.

Sau những buổi học, tôi ngồi phụ mẹ bán hoa kiểng rồi nghe các chú, các anh sành chơi kiểng bonsai nói chuyện với nhau nên dần dà quen và bắt đầu thấy thích loại cây cảnh này", ông Lộc bộc bạch.

Xuất thân là người ở làng hoa Sa Đéc và gia đình cũng có truyền thống theo nghề trồng hoa kiểng, sẵn "máu" trong người nên ông bắt đầu tập tành kinh doanh kiểng bonsai. Lúc còn là sinh viên, nửa tháng ông về nhà một lần và theo đó là những chậu kiểng bonsai được chở theo xe về quê.

Dự tính ban đầu là để chơi nhưng khi thấy cây cảnh đẹp, bà con xung quanh hỏi mua nên ông bán và cứ như thế có tiền xoay vòng săn lùng nhiều cây kiểng bonsai đẹp hơn.

"Đang là sinh viên rồi tự dưng trở thành bạn hàng mua bán hoa kiểng lúc nào không biết. Nhưng cũng nhờ việc mua bán như vậy nên có tiền vốn xoay vòng, mua hết cây kiểng bonsai này đến cây kiểng bonsai khác.

Mỗi lần mua được giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm nên mình cũng học được nhiều điều từ thú chơi thú vị này", ông Lộc nói.

Xác lập kỷ lục cho cây cảnh bonsai

Thấm thoắt đã gần 40 năm qua, từ một sinh viên Đại học Bách Khoa (TP.HCM), ông Lộc rẽ sang làm thợ sửa kiểng bởi năm 1995, gia đình gặp biến cố nên ông cũng không thể hoàn thành khóa học... Nghề đã chọn người để rồi ông Lộc ngày càng "ăn nên làm ra" từ nghề sửa kiểng bonsai.

Số tiền chắt góp được xoay vòng kinh doanh đến nay ông đã mua 30.000m2 đất ở thành phố Sa Đéc, sở hữu hàng ngàn chậu cảnh, có những cây trị giá cả chục tỷ đồng.

Đồng Tháp: Người đàn ông sở hữu cơ ngơi bề thế với hàng ngàn chậu cây cảnh bonsai hiếm gặp- Ảnh 2.

Cặp cây cảnh me kiểng bonsai cổ được xác lập kỷ lục năm 2013.

Dạo vườn kiểng bonsai, ông Lộc tâm đắc nhất là cặp me được xác lập kỷ lục bonsai cổ nhất Việt Nam năm 2013.

Chia sẻ về cơ duyên có được cặp me này, ông nói: "Khi mình có đủ kiến thức và kinh nghiệm thì nhìn những cây bình thường cũng ra kiểng bonsai, như cây me này chẳng hạn. Tình cờ tôi đi qua bên huyện Cái Bè (Tiền Giang) thì gặp được cây cảnh me này. Tôi đến và hỏi chủ nhà nhã ý muốn mua nhưng chủ nhà không bán. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc, tôi vẫn cứ tới lui, trò chuyện. Thấy vậy, chủ nhà thương và thế là tôi có được cây me bonsai này".

Còn cây cảnh kế bên, ông Lộc không tìm nhưng nó cũng tự đến khi anh bạn của ông đi chơi bên thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) phát hiện có cây me tương tự như cây me ông Lộc đang sở hữu nên về báo với ông biết để đến tìm mua.

Đến tìm hiểu, hỏi ra mới biết, cây me ông Lộc mua trước đó với cây me do bạn giới thiệu được cùng một người bỏ công chăm sóc nên có nét gần giống nhau. Thân cây tuy không lớn nhưng đến nay tuổi chi được giới sành chơi kiểng bonsai tính ra gần 160 năm.

Hiện, cặp me được chăm sóc cẩn thận có chiều cao 6m, tán hình nón đường kính 3,5m, thế tứ diện sơn thủy. "Người thì có đôi, có cặp, cây kiểng cũng vậy, có cây này thì tự khắc cây cảnh khác cũng tìm đến.

Sự khác nhau giữa kiểng cổ và kiểng bonsai là cây kiểng cổ thì người chơi muốn truyền một triết lý phương Đông vào đó nên khi nhìn cây sẽ toát lên giá trị cổ, kỳ, mỹ, văn. Riêng kiểng bonsai thì lại khác, với bốn tiêu chí là cổ, tự nhiên, thu gọn và chậu cạn.

Tức là khi mình nhìn cây kiểng bonsai mặc dù được bàn tay chăm bón, uốn tỉa nhưng khi rời ra thì cây không còn bóng dáng đôi bàn tay chăm sóc nữa, như ở ngoài tự nhiên", ông Lộc giải thích. Và ông cho biết thêm, sau khi xác lập kỷ lục, cặp me bonsai được xác định có giá một triệu USD.

Ngoài ra, trong vườn nhà ông Lộc còn có cây bonsai sanh cổ cũng được xác lập kỷ lục năm 2020 giá 500.000 USD và cặp vạn niên tùng cổ được xác lập kỷ lục năm 2021 cũng có giá 500.000 USD.

Ấp ủ làm du lịch bằng bảo tàng cây cảnh bonsai

Khi trong vườn nhà có nhiều cây kiểng bonsai đẹp, giá trị và để nhiều người cùng sở thích đến chiêm ngưỡng, năm 2007, ông Lộc hình thành nên khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc toạ lạc tại xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp).

Nơi đây luôn là lựa chọn của khách tham quan khi có dịp ghé qua thủ phủ hoa kiểng lớn nhất miền Tây.

Chị Phan Ngọc Lan (24 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ: "Vào dịp cuối tuần và những ngày cận Tết như thế này, gia đình được giới thiệu về tham quan làng hoa Sa Đéc để tận mắt chứng kiến người dân chăm sóc cây cảnh, hoa và chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Nhân dịp này tôi ghé qua tham quan vườn kiểng bonsai, thấy rất đẹp và thú vị vì toàn những cây kiểng có giá trị".

Đồng Tháp: Người đàn ông sở hữu cơ ngơi bề thế với hàng ngàn chậu cây cảnh bonsai hiếm gặp- Ảnh 3.

Khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc là nơi để du khách trải nghiệm, khám phá và tìm hiểu về thú chơi kiểng bonsai.

Cùng chung đoàn tham quan với chị Lan, ông Nguyễn Văn Võ (56 tuổi) nói: "Thật ra nhiều nơi có những cây kiểng bonsai tôi cũng có ghé qua. Nhưng chưa thấy vườn kiểng nào bề thế và nhiều cây cảnh được xác lập kỷ lục như ở đây".

Mỗi năm, khu du lịch của ông Lộc đón nhiều lượt khách đến tham qua, trải nghiệm cùng những hoạt động thú vị khi được ăn nghỉ tại chỗ với những homestay được bày trí sẵn trong vườn kiểng bonsai của gia đình.

Từ đó, khu du lịch tạo công ăn việc làm và giúp nhiều lao động vừa học nghề sửa kiểng bonsai, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, với tiền lương mỗi tháng từ sáu đến chín triệu đồng.

Làm việc tại vườn kiểng bonsai của ông Lộc được bảy năm, anh Nguyễn Phúc Hậu (45 tuổi, ngụ xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, với niềm đam mê kiểng bonsai và biết được vườn kiểng của ông Lộc có nhiều loại cây có giá trị nên anh xin đến làm việc và được học nghề.

"Tôi đến đây làm việc và ăn ở luôn ở vườn kiểng bonsai. Bữa nào ông Lộc mở lớp dạy nghề sửa kiểng thì tôi vô học ké và ra thực hành tại vườn nên nhanh lên tay nghề lắm", anh Hậu cho biết thêm.

Chị Lê Nguyễn Thảo Nguyên (23 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nói: "Hai vợ chồng tôi xin vô làm việc tại khu du lịch của ông Lộc. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng giúp cuộc sống trở nên tốt hơn, đỡ vất vả hơn so với trước".

Bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) thông tin: "Theo tôi được biết thì anh Lộc rất đam mê kiểng bonsai và có nhiều kiến thức về lĩnh vực này.

Điều này giúp anh sưu tầm nhiều cây kiểng bonsai có giá trị, góp phần tạo nên sự phong phú cho Làng hoa Sa Đéc.

Đồng thời, cũng chính từ sự đam mê mà anh Lộc mạnh dạn tiếp nhận và đào tạo nhiều người có cùng sở thích với mong muốn nhân rộng mô hình kiểng bonsai.

Từ đó, xây dựng nên điểm du lịch khác biệt nhằm tạo điểm nhấn để thu hút đông đảo khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm".

"Trong tương lai tôi sẽ xây dựng khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc thành bảo tàng bonsai để khi du khách đến đây sẽ được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật tạo tác kiểng bonsai.

Ngoài ra, tôi cũng hình thành đội ngũ hướng dẫn viên chỉ để chia sẻ cho du khách biết về lịch sử của những cây kiểng bonsai được tôi xác lập kỷ lục và hiện đang được trưng bày tại khu du lịch này", ông Lộc nói.

Hiện nay, tổng diện tích trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc gần 950ha, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông (324ha) và phường Tân Quy Đông (320ha).

Toàn thành phố có khoảng 4.000 hộ sản xuất hoa, kiểng, chiếm khoảng 50% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; hơn 200 cơ sở kinh doanh hoa, kiểng. Sa Đéc có 4 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng, 10 tổ hợp tác và 3 hội quán hoạt động có liên quan đến ngành hàng hoa, kiểng.

Thủ phủ hoa kiểng lớn nhất miền Tây hiện có khoảng 2.000 chủng loại hoa, kiểng các loại. Trong đó, kiểng công trình, trang trí nội thất chiếm 65%, hoa các loại là 20%, kiểng cổ bonsai 15%.

Các loại hoa phổ biến là cúc mâm xôi, hoa lưu ly, hướng dương, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, cát tường, dừa cạn, mẫu đơn, lan các loại… Cùng với các loại hoa, nhiều nhà vườn ở Sa Đéc có thu nhập cao từ nghề trồng kiểng như mai vàng, các loại kiểng lá, các loại kiểng cổ bonsai…

Hương Ngân (Báo Giao Thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem