Tại buổi bàn giao, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cùng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển Dược khoa (Hà Nội) khảo sát, đánh giá, lựa chọn 9 sản phẩm có khả năng đạt OCOP. Qua đó, hỗ trợ 6 chủ thể xây dựng mới sản phẩm OCOP, bao gồm các sản phẩm: Yến sào Long Phượng; khô cá lóc Huỳnh Trung; bột ngũ cốc Khương Gia; trà tim sen; bì mắm, chả lụa Phương Vinh, bánh khoai môn, bánh kép Huỳnh Mai.
Không chỉ hỗ trợ xây dựng mới các sản phẩm OCOP, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn có nhiều cách làm hay để duy trì, phát triển, nâng chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Đức Ngọc – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sản phẩm OCOP phải phát huy được tinh hoa, lợi thế của địa phương. Vì thế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tích cực quan tâm, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực của các chủ thể một cách công khai dân chủ.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ những hộ có nhu cầu, cùng nhau phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ưu tiên nâng cao năng lực của hội viên nông dân, tránh trường hợp những sản phẩm xin sự hỗ trợ của các đoàn thể.
Trong buổi lễ bàn giao, đại diện các hộ kinh doanh cùng tham gia thảo luận cùng Công ty Dược Khoa. Nội dung tập trung vào tư vấn về phát triển ý tưởng câu chuyện sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tìm hiểu cách thức triển khai, vận hành chương trình OCOP. Bên cạnh đó, Công ty Dược Khoa còn hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh để duy trì, nâng sao cho sản phẩm; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu…
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực triển khai Chương trình OCOP với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, qua đó tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững. Sau gần 5 năm thực hiện, chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, góp phần chuyển đổi sản xuất từ theo tập quán nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn.
Bà Khương Hồng Tâm, đại diện hộ kinh doanh Khương Gia, chia sẻ: "Sản phẩm bột ngũ cốc Khương Gia cũng là một trong số nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Trước đây, bột ngũ cốc Khương Gia đa phần là bán lẻ, nhưng giờ đây nhờ Hội Nông dân các cấp hỗ trợ, hướng dẫn làm sản phẩm OCOP, hiện chúng tôi đã có nhiều kiến thức, cơ hội để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị, nâng tầm giá trị sản phẩm".
Dựa vào những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh Đồng Tháp, việc triển khai xây dựng có hiệu quả các sản phẩm OCOP sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.