Cầm trên tay chiếc đồng hồ điêu khắc có tên “Long Hý Châu”, anh Trần Ngọc Chiến (Thanh Xuân, Hà Nội) – một thợ thủ công về điêu khắc trên đồng hồ chia sẻ với phóng viên Dân Việt: “Để làm nên tác phẩm này, tôi phải mất 2 tháng chế tác. Trước khi bắt tay vào thực hiện, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về các dáng của rồng thời Lý, từ đó sáng tạo thêm để sản phẩm mang tính độc bản. Sản phẩm được kết hợp bởi nhiều vật liệu như bạc 925, khảm vàng 24k, vỏ bào ngư…”.
Nói về lý do quyết định đưa hình ảnh rồng thời Lý lên tác phẩm chạm khắc mặt số đồng hồ, anh Chiến cho hay: “Rồng thời Lý là hình tượng rồng mà tôi đặc biệt yêu thích. Thân rồng mềm mại, uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. Đầu rồng là phần rất đặc biệt, có bờm dài, râu cằm, không sừng. Đây là điểm hoàn toàn khác biệt với các con rồng khác của nhiều nước khác”.
Theo anh Chiến, tác phẩm “Long Hý Châu” được định giá 100 triệu đồng. Đây là một trong 4 chiếc đồng hồ điêu khắc hình rồng mà anh từng thực hiện. Các tác phẩm còn lại bao gồm “Uy Long” có giá 80 triệu đồng, “Rồng cách điệu hoạ tiết cuộn” là 40 triệu đồng và “Hỏa Long” với mức giá 30 triệu đồng.
Anh Chiến bật mí, đến thời điểm hiện tại, số lượng đồng hồ được anh chạm khắc là 50 chiếc. Giới thiệu về quy trình thực hiện một tác phẩm hoàn chỉnh, chàng trai sinh năm 1989 tiếp lời: “Sau khi có ý tưởng, tôi cùng cộng sự cần phác thảo trực tiếp lên sản phẩm, làm khung, viền và thể hiện những hiệu ứng sáng, tối, đậm, nhạt. Cuối cùng là bước hạ nền và đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm”.
Nhắc đến sản phẩm “Long Hý Châu”, anh Chiến tâm sự: “Với các tác phẩm cầu kỳ tương tự như vậy, phải kết hợp đa vật liệu, cụ thể là khảm thêm vàng, bạc, vỏ bào ngư thì quá trình thực hiện công phu hơn những chiếc đồng hồ khác rất nhiều. Tôi sẽ phải xúc, hạ nền và làm những chiếc chân, răng để ngậm được các kim loại nói trên vào mặt đồng hồ một cách chắc chắn nhất”.
Anh Lưu Trường Sinh - cộng sự chạm khắc đồng hồ của anh Chiến trao đổi với phóng viên Dân Việt: “Nghệ thuật chạm khắc đồng hồ thủ công có một điểm đặc biệt, đó là khi làm, người thợ phải đặt hết tâm huyết vào từng nét khắc. Mỗi sản phẩm đều thể hiện tâm hồn riêng biệt của một người nghệ sĩ chứ không như các sản phẩm công nghiệp khác, có sự sao chép giống nhau”.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề chạm khắc đồng hồ, anh Chiến cho biết: “Tình cờ xem được một video chạm khắc đồng hồ của người nước ngoài, tôi rất ấn tượng với những đường nét chạm khắc tinh xảo của họ. Sau đó, tôi có nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật này, càng tìm hiểu tôi lại càng thấy cuốn hút. Đến lúc tôi tập tành khắc những sản phẩm đầu tiên thì được khá nhiều bạn bè ủng hộ, thậm chí là có những vị khách muốn đặt hàng ngay từ điểm đó”.
Thời gian đầu, để thực hiện đam mê chạm khắc trên đồng hồ, anh Chiến phải “tự chế” ra các dụng cụ chế tác. “Lúc ấy, tôi cũng chưa biết nhiều về nơi bán các công cụ như máy khắc, bộ máy nén khí, mũi đục…, chỉ biết một số đơn vị nước ngoài có bán thì mức giá lại quá cao, có thể lên đến 3000 đô la Mỹ cho một sản phẩm. Mãi đến sau này, khi đã quen một vài anh em bán đồ sản xuất dụng cụ ở Việt Nam, tôi mới tiếp cận được những sản phẩm có giá rẻ hơn và mua về sử dụng”.
Với 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xăm hình nghệ thuật, anh Chiến cho rằng điều đó đã giúp anh thuận lợi hơn trong quá trình nâng cao kỹ thuật chạm khắc: “Thực tế là hai công việc xăm và chạm khắc đồng hồ chỉ khác nhau ở chất liệu thể hiện. Nếu xăm là vẽ trên da người và công cụ thể hiện là kim xăm, mực xăm, thì trên bề mặt đồng hồ, việc chạm khắc cũng tương tự với công cụ thể hiện là các mũi khắc, mũi đục”.
Ngoài những sản phẩm làm theo cảm hứng cá nhân, anh Chiến cùng cộng sự cũng chạm khắc mặt đồng hồ theo yêu cầu của khách hàng. “Thường khách hàng của tôi là những người có tìm hiểu sâu về đồng hồ và người ta cũng có kinh tế nữa thì mới có thể chơi được sản phẩm này, vì việc chạm khắc những chiếc đồng hồ như vậy có chi phí khá cao”.
Khi được hỏi về thu nhập từ việc chạm khắc đồng hồ, anh Chiến chia sẻ, công việc này có mức thu nhập không cố định trong mỗi tháng: “Có những sản phẩm thì thời gian hoàn thiện nhanh nhưng cũng có dự án phải mất 2 - 3 tháng tôi mới làm xong. Do đó, có tháng, tôi thu về vài chục triệu đồng, có tháng thì được 100 - 200 triệu đồng, nhưng cũng có khi không có thu nhập trong một tháng. Tùy theo dự án hoàn thiện lúc nào thì tôi sẽ có thu nhập lúc đó”.
Nói về dự định trong tương lai, anh Chiến bộc bạch: “Tôi rất muốn có thể mở được nhiều lớp dạy về chạm khắc đồng hồ để giúp cho nghề này được phát triển và cũng đáp ứng được nhu cầu tương đối lớn của khách hàng hiện tại. Ngoài ra, tôi cũng mong bản thân sẽ xây dựng được một đội ngũ nhiều thành viên đồng hành cùng tôi cùng làm công việc này trong tương lai gần”.