Rồng ngậm ngọc đón Tết Nguyên đán 2024 hút khách, thợ phải tăng ca vẫn không hết việc

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ ba, ngày 16/01/2024 13:00 PM (GMT+7)
Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, một nhà điêu khắc ở Hà Nội đã cho ra mắt tác phẩm rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây, phủ sơn mài và vàng 24K để phục vụ thị trường tết. Xưởng sản xuất phải huy động 30 - 40 nhân công vẫn không hết việc.
Bình luận 0

Rồng ngậm ngọc đón Tết Nguyên đán 2024 hút khách, thợ phải tăng ca vẫn không làm hết việc. Clip: Trung Hiếu

Rồng ngậm ngọc phủ sơn mài và vàng 24K đón Tết Giáp Thìn 2024

Vừa cầm trên tay linh vật "Hí Long Vân", họa sĩ, nhà điêu khắc Vũ Dũng vừa say sưa kể về quá trình tạo ra tác phẩm này. Đây đã là năm thứ 4 ông làm các linh vật theo 12 con giáp để phục vụ nhu cầu chơi Tết Nguyên đán của mọi người. "Tôi mất gần một năm để nghiên cứu về lịch sử, thiết kế bản vẽ và tạo hình sản phẩm thô bằng sáp ong và bột đá", ông Dũng nói.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Dũng chia sẻ: "Linh vật rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây có điểm độc đáo, chưa từng xuất hiện trong các sáng tác dân gian về rồng từ xưa đến nay, đó là hình đao lửa truyền thống. Họa tiết mây đao lửa là nét đặc trưng trong điêu khắc đình làng của người Việt, tôi đưa vào thiết kế của mình với ý nghĩa chỉ thiên thời, thời điểm thuận lợi, là một bước đệm vững chãi để vươn lên".

Nhà điêu khắc Vũ Dũng thiết kế, tạo dáng linh vật "Hí Long Vân" trong thời gian gần 1 năm. Ảnh: Trung Hiếu

Nhà điêu khắc Vũ Dũng thiết kế, tạo dáng linh vật "Hí Long Vân" trong thời gian gần 1 năm. Ảnh: Trung Hiếu

Nhà điêu khắc Vũ Dũng tâm sự khi đang so sánh thành phẩm "Hí Long Vân" và bản vẽ được ông phác thảo trước đây: "Thật ra, khi sáng tạo tác phẩm này, tôi không áp đặt bản thân phải thiết kế ra con rồng theo quy chuẩn của một thời đại cụ thể nào. Những sáng tác của ông cha ta thấm vào con người tôi một cách tự nhiên và trở thành nguồn cảm hứng. Thông thường, các con rồng sẽ được tạo hình với dáng uốn lượn, tuy nhiên để điêu khắc được thì rất khó, nên tôi đã chọn dáng rồng cuộn tròn vào, vừa thể hiện được sự viên mãn, phúc hậu, đủ đầy, vừa để thuận lợi hơn khi làm".

Sau quá trình thiết kế, tạo dáng của nhà điêu khắc Vũ Dũng, linh vật rồng sẽ được tạo khuôn và vận chuyển sang các xưởng thủ công, mỹ nghệ để có thể hoàn thiện với nhiều chất liệu khác nhau. Anh Trần Quý Văn - Tổng Giám đốc một công ty bán quà tặng nghệ thuật tại Hà Nội chia sẻ, hai chất liệu phủ lên linh vật "Hí Long Châu" được anh chọn lựa là sơn mài và vàng 24K.

Những chú rồng ngậm ngọc có chiều cao từ 20 - 30 cm, được phủ sơn mài hoặc phủ vàng 24K bắt mắt. Ảnh: Trung Hiếu

Những chú rồng ngậm ngọc có chiều cao từ 20 - 30 cm, được phủ sơn mài hoặc phủ vàng 24K bắt mắt. Ảnh: Trung Hiếu

"Chất liệu vàng 24K với cốt đồng thể hiện tính cao quý của linh vật. Chúng tôi mong muốn sử dụng các chất liệu mang tính bền vững và có giá trị về mặt vật chất, tinh thần, cũng như là tính thẩm mỹ cao. Còn với sơn mài thì chúng tôi sử dụng những nét tinh hoa của sơn mài truyền thống, để có thể tạo ra được các tác phẩm gần gũi với hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Màu sắc của linh vật tượng trưng cho sự may mắn hoặc dựa theo thẩm mỹ của đa số mọi người. Những tác phẩm rồng sơn mài có giá từ 3 - 6 triệu đồng, rồng dát vàng dao động từ 12 - 20 triệu đồng", anh Văn cho biết.

Thợ làm rồng ngậm ngọc luôn tay vẫn không hết việc

Ghé thăm một xưởng sản xuất tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) một ngày đầu tháng 12 âm lịch, không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ luôn tay làm việc để kịp tung ra thị trường những linh vật rồng độc đáo, đẹp mắt phục vụ cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo anh Lê Thanh Thái - quản lý một xưởng sản xuất ở làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), một số thời điểm, xưởng phải huy động 30 - 40 nhân công làm việc. "Sản xuất hàng tết thì không thể nào giao hàng trễ được, nên là phải canh tiến độ. Người làm phải tăng ca, làm cả ngày và đêm. Ví dụ như ngày thường, mọi người làm đến 11 giờ là nghỉ, nhưng hôm nay bên mình phải làm đến 11 giờ 30 phút".

Các công đoạn làm sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ, giữ được các chi tiết của con rồng. Ảnh: Trung Hiếu

Các công đoạn làm sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ, giữ được các chi tiết của con rồng. Ảnh: Trung Hiếu

Khi được hỏi về tiền công dành cho thợ làm sơn mài của các linh vật rồng, anh Thái bộc bạch: "Đây là những sản phẩm kỹ thuật đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề cao hơn, bước nào cũng cần sự tỉ mỉ. Người thợ phải giữ được độ nét của các chi tiết, phủ nước sơn lên mà không làm mất đi các nét cơ bản. Do đó, mình phải trả công tương xứng với tay nghề của họ, thường là gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với thợ làm các sản phẩm phổ thông".

Người làm phải tăng ca, làm cả ngày và đêm dịp cao điểm. Ảnh: Trung Hiếu

Người làm phải tăng ca, làm cả ngày và đêm dịp cao điểm. Ảnh: Trung Hiếu

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Trần Quý Văn - Tổng Giám đốc một công ty bán quà tặng nghệ thuật tại Hà Nội cho biết: "Các sản phẩm rồng ngậm ngọc phủ sơn mài hoặc vàng 24K được chúng tôi sản xuất theo kiểu cuốn chiếu, chứ không sản xuất hàng loạt. Khách hàng thường đặt trước 30 - 45 ngày để đơn vị kịp sản xuất".

Anh Văn tiếp lời: "Năm nay, khách hàng bên tôi chủ yếu là các khách mua lẻ. Một tháng trở lại đây là thời điểm cao điểm được khách hàng đặt mua. Bên tôi hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp. Cho nên dù sản phẩm được sản xuất bằng chất liệu quý và có giá trị cao nhưng mọi người cũng đón chờ và tìm mua tương đối nhiều".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem