Chia sẻ thông tin về kết quả đoàn công tác của Bộ NNPTNT sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ 14-20/1, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, đối với chăn nuôi, Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam và sẽ sớm xem xét hồ sơ cho phép xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc.
Với tổng đàn gia cầm trên 500 triệu con gia cầm mỗi năm, Việt Nam không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi một số nước như: Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc... "Nếu mở được thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân thì tôi nghĩ đây là tiềm năng rất lớn để các trang trại, hộ nông dân, doanh nghiệp có thể tăng cường sản xuất, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Cùng với mặt hàng gia cầm, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng ý sẽ hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam.
Với cá tầm, theo luật pháp của quốc tế và các nghị định thư, đây là sản phẩm được phép trao đổi, mua bán miễn là không nằm trong danh mục hạn chế của CITES. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước thực hiện mua bán sản phẩm, kể cả giống.
Với tôm hùm bông, phía Trung Quốc đã sửa đổi một số quy định, đặc biệt là nghiêm cấm việc khai thác sản phẩm trong tự nhiên, thuộc danh mục bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, đoàn công tác đã thông tin cho bạn, rằng hàng năm Việt Nam có trên 1.000 tấn tôm hùm bông được nuôi trong lồng bè. Mỗi chu kỳ nuôi khoảng 13 - 18 tháng mới thu hoạch. Vì vậy, đề nghị bạn quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân nuôi biển.
Trung Quốc cơ bản thống nhất và sẽ tạo điều kiện cho tôm hùm bông của Việt Nam có điều kiện trở lại thị trường Trung Quốc. Cùng với vấn đề cá tầm, hai bên sẽ bổ sung những nội dung liên quan vào Nghị định thư về yêu cầu vệ sinh thú y và kiểm dịch các sản phẩm thủy sản khai thác tự nhiên, nhằm đẩy mạnh kim ngạch hai nước.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập khẩu cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, trong đó có bơ và chanh leo. Đây có thể xem là một tin mừng cho những người nông dân đang trồng các nông sản này tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch tại khu vực biên giới, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban giữa các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới để các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại cửa khẩu.