Có đàn gia cầm, đàn lợn top đầu thế giới, vì sao Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được nhiều?

Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 18/06/2023 05:31 AM (GMT+7)
Từ một nước từng phải nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, đến nay thịt gà, lợn sữa, thịt lợn mảnh, trứng, sữa, tổ yến... của Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Bình luận 0

Tuy nhiên, sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu (XK) còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của ngành chăn nuôi Việt Nam do giá thành cao và chưa có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nào được Tổ chức Thú y thế giới công nhận.

Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) đáp ứng yêu cầu của thế giới là đòi hỏi cấp thiết để mở rộng đầu ra, phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. 

Con số xuất khẩu chăn nuôi còn khiêm tốn

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2017 là năm đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên nước ta XK chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản. Năm 2019, kim ngạch XK gia cầm đạt 18 triệu USD; năm 2020 tăng 2%. Năm 2021, thịt gà chế biến XK đạt 2.531 tấn, tăng 36,58%.

gop/Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế: Đòn bẩy cho kim ngạchxuất khẩu ngành chăn nuôi - Ảnh 1.

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới, một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: T.L

"Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thì chúng ta phải nâng cấp vùng ATDB của mình lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Các doanh nghiệp, các địa phương cần phải đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm gia cầm…".

Ông Nguyễn Văn Long

Tiếp đó, ngày 25/10/2022, lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên của CPV Food với số lượng 33,6 tấn được XK sang thị trường Nhật Bản, góp phần nâng kim ngạch XK thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm các loại lên 84,6 triệu USD trong năm 2022, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 3,62% về giá trị so với năm 2021. 

Cũng trong năm 2022, XK gà sống hướng trứng của Việt Nam đạt 793.193 con; gà trắng giống 4.970.889 con. 

Việt Nam cũng đã XK khoảng 2.200 tấn sản phẩm trứng gia cầm sang thị trường Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào... Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam đã XK được 100 tấn sản phẩm thịt tiệt trùng sang Hàn Quốc với giá trị hơn 600.000USD.

gop/Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế: Đòn bẩy cho kim ngạchxuất khẩu ngành chăn nuôi - Ảnh 3.

Cộng với kim ngạch XK sữa và sản phẩm sữa đạt 106,4 triệu USD; tính chung trong năm 2022, XK sản phẩm chăn nuôi của nước ta đạt 409 triệu USD, giảm 5,2% so năm 2021 – con số được lãnh đạo trong ngành chỉ ra là "chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Trong đó, XK thịt lợn được kỳ vọng đem lại nhiều kết quả, song đến nay vẫn chỉ là "giấc mơ" của một số doanh nghiệp do chi phí sản xuất của Việt Nam quá cao, không thể cạnh tranh với thịt từ các nguồn cung khác, cũng như chưa có vùng chăn nuôi lợn ATDB đáp ứng được theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua, Bộ NNPTNT cùng các địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng vùng chăn nuôi ATDB và đã đạt được một số kết quả rất quan trọng. Các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ chăn nuôi đứng đầu cả nước đã hình thành các chuỗi, các vùng chăn nuôi ATDB rất tốt.

Đặc biệt, thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh xúc tiến XK động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 400 triệu USD.

Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín, XK được sang gần 10 nước gồm Nhật Bản, Liên bang Nga, Hongkong và các nước Liên minh châu Âu. Hiện nay phía Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá và dự kiến trong thời gian tới chúng ta có thể XK sản phẩm gia cầm sang Hàn Quốc.

"Vướng" do chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, sau 2 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, đến nay tỉnh đã có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận ATDB (47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi lợn, 2 cơ sở chăn nuôi bò). Trong đó, huyện Dương Minh Châu đã được chứng nhận vùng ATDB cấp huyện, và 6 vùng ATDB cấp xã (huyện Gò Dầu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm; huyện Bến Cầu có 9 vùng ATDB cấp xã đối với bệnh lở mồm long móng trên trâu bò.

Tỉnh Tây Ninh còn có 3 chuỗi cung ứng thịt lợn an toàn theo chuỗi của hệ thống Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam với 98 cửa hàng cung cấp thịt sạch; chuỗi giá trị chăn nuôi lợn của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam; chuỗi giá trị chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel Gà; nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources và Công ty QL Farm tại huyện Tân Biên, sản lượng trứng bình quân khoảng 700.000 trứng/ngày/trại.

gop/Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế: Đòn bẩy cho kim ngạchxuất khẩu ngành chăn nuôi - Ảnh 4.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, công tác triển khai xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi ATDB đang gặp nhiều khó khăn do số lượng các hộ, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ trọng cao, nhận thức về an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi này còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, đe dọa vùng, cơ sở ATDB được công nhận. 

Chính quyền địa phương tại một số vùng ATDB đã được cơ quan thú y các cấp công nhận nhưng lại thiếu sự quan tâm triển khai thực hiện các điều kiện để được duy trì theo quy định.

Công tác tiêm phòng vaccine cho chăn nuôi gia súc, gia cầm nông hộ gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, không có chuồng nhốt. Lực lượng thú y cơ sở mỏng. Nhận thức của một số người chăn nuôi còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Nói về lợi ích của người chăn nuôi trong vùng chăn nuôi ATDB, cán bộ thú y xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, các trại chăn nuôi trong vùng chăn nuôi ATDB tại xã Vĩnh Tân đều thực hiện đầy đủ tiêm phòng vaccine trên vật nuôi. Sản phẩm có giấy chứng nhận vùng chăn nuôi ATDB nên rất thuận lợi trong việc xuất bán, tiêu thụ.

Về vấn đề này, theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi, trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, hoạt động sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội, vì vậy cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời có các cơ chế thu hút sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Điều đáng mừng là thời gian qua, đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án chăn nuôi bài bản, xa khu dân cư, áp dụng công nghệ hiện đại của châu Âu với giá trị lên tới cả nghìn tỷ đồng, như Tập đoàn De Heus, Hùng Nhơn, Tập đoàn Xuân Thiện, C.P Việt Nam... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem