Đây là loại quả "đặc sản" của nhiều vùng miền: Dừa.
Còn nhắc đến hương vị ẩm thực truyền thống Tết cổ truyền thì chắc chắn không thể thiếu món mứt dừa - món ăn mang đậm hương vị tuổi thơ mỗi dịp Tết của người Việt Nam.
Cách làm mứt dừa khá đơn giản, bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà cho gia đình thưởng thức. Dân Việt sẽ giới thiệu công thức làm mứt dừa dùng các màu tự nhiên vừa đảm bảo an toàn vừa đẹp mắt như sau:
Nguyên liệu làm mứt dừa:
- 1kg cùi dừa - tương ứng với 350-400g đường
- Để màu đẹp thì dùng đường trắng
- Tạo màu:
+ Xanh lá: lá nếp, bột trà xanh
+ Xanh lam: hoa đậu biếc
+ Vàng: bột nghệ, bột dành dành
+ Hồng: Củ dền đỏ
+ Tím: Lá cẩm tím
+ Hoặc: bột ca cao, chanh leo, cà rốt,…
Sơ chế
- Thái dừa cố gắng đều nhau, sao cho không xoắn, gấp khúc
- Nấu nồi nước sôi cho dừa vào chần sơ, có thể vắt ít nước cốt chanh vào, đổ dừa ra rửa 4-5-6 lần nước cho sạch dầu dừa. Để ráo rồi ướp đường.
Sên dừa lần 1:
- Sau khi dừa tan đường thì đen đun trên bếp lửa to bình thường. Đun sôi 1 lúc thì tắt bếp để nguội và ướp dừa 3-4 giờ hoặc qua đêm. Cách này để tránh dừa không bị chảy nước và mềm hơn rất nhiều.
Sên dừa lần 2:
- Cho phần nước ướp dừa vào đun lửa to vừa sau đó hạ lửa đun vừa phải cho nồi bốc bớt hơi nước thì cho dừa vào đun.
- Đoạn này nước ướp dừa còn nhiều, thỉnh thoảng mới đảo, không cần đảo liên tục.
- Thấy nước cạn dần, dừa mềm mềm thì hạ lửa vừa đủ để đun, lúc này đường có vẻ keo nên chú ý đảo nhiều hơn.
- Trong lúc chờ đợi đi ép củ dền, ép lá nếp, pha màu hoa đậu biếc để lấy màu.
- Khi đường keo lại thì mới đem cho màu củ quả đậm đặc đã ép lấy nước vào.
- Đảo dừa lửa nhỏ cho đến khi mứt lên nhiều hạt đường lấm tấm, khô ráo hẳn nước thì nhấc ra ngoài đi găng tay bật quạt chĩa thẳng vào nồi dừa, cứ như vậy đảo xốc lên cho đường bông ra.
*Mứt dừa bị chảy nước và cách khắc phục:
- Do đun lửa quá to, thái miếng dừa không đều nhau, miếng quá dày.
- Không nên đun lửa to quá mà hạ bớt lửa đun lâu hơn cho dừa ngấm đường mềm, trở nên trong không còn lõi cứng của dừa.
- Lúc gần cuối lửa nhỏ kiên trì đảo cho bông hết đường ra. Nhấc xuống khỏi bếp vẫn đảo, tận dụng sức nóng của nồi đảo cho đường ở giữa miếng mứt thoát ra ngoài.
- Ướp ít đường quá thì dừa không kết tinh được. Càng đảo càng bị khô, cứng. Muốn cứu mẻ này thì đem dừa ra rửa sạch, để ráo, ướp lại như từ đầu và sên bình thường.
- Cứ làm vài lần là nhìn quen sẽ biết lúc nào cần phải dừng lại không đảo nữa.
- Khi sên thấy miếng dừa bị gấp khúc nhớ lật ra, vì chỗ gấp đó hay bị ướt, để lâu sẽ ướt sang các miếng khác và làm mứt nhanh hỏng.
- Sau khi xong hết đem sên thêm 10-15 phút nữa thật nhỏ lửa, rồi mang ra hong nguội hoàn toàn mới cất đi.
- Để cho ra màu đẹp sên mứt màu trắng, hồng, tím mới dùng đường trắng, các màu còn lại như cacao, cafe dùng đường chưa tinh luyện.
- Không nên sấy dừa vì nhiệt độ không ổn hoặc không nắm được nhiệt chuẩn nhiệt quá lớn sẽ làm đường trong dừa bị chảy ra. Mà còn hay bị khô không còn vị dẻo của mứt dừa.
*Món ăn và hình ảnh do Fb Hòa Bùi thực hiện.