Dân Việt

Ở Bắc Giang có một làng "tìm vàng" trong rác, thực ra bà con làm nghề gì?

Đỗ Thành Nam 25/01/2024 18:53 GMT+7
Thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) xưa thuộc diện nghèo nhất xã, dân trong thôn phải lên TP Bắc Giang thu mua phế liệu bán kiếm lời. Từ đó, Liễu Đê được nhiều người quen gọi là “làng thu mua phế liệu”.

Nay, dù điều kiện kinh tế đã cải thiện rõ rệt song nhiều người dân ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) vẫn cần mẫn theo nghề.

Gặp gì, mua đó

“…Ai nhôm đồng sắt vụn, giấy bỏ bán đê...”! Con phố nhỏ yên tĩnh giữa trưa đột nhiên bị đánh thức bởi tiếng rao của người phụ nữ thu mua phế liệu. Tôi ngoái người ra cửa gọi với: “Bà đồng nát ơi, tôi có ít đồ bán đây”!

Ở Bắc Giang có một làng "tìm vàng" trong rác, thực ra bà con làm nghề gì?- Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Du, một người dân thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) thu mua phế liệu trở về.

Qua trò chuyện, được biết người phụ nữ thu mua phế liệu tên là Bùi Thị Du, ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu. Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 62 song trông bà vẫn nhanh nhẹn. 

Gỡ chiếc khăn che mặt thấm đẫm mồ hôi, bà Du chia sẻ: “Tôi làm nghề này đã hơn 40 năm, từ khi mười tám đôi mươi. Trừ những hôm mưa bão còn ngày nào tôi cũng đạp xe mấy chục km quanh TP Bắc Giang và khu vực lân cận để thu mua phế liệu”.

Có lẽ thường xuyên tiếp xúc với đủ thành phần, lứa tuổi nên cách nói chuyện của bà Du khá tự nhiên, vui vẻ, dễ gây được cảm tình với người khác. 

Bà Du kể, sáng nay mua được nhiều phế liệu ở xã Tân Tiến nên bán lại cho chủ thu mua lãi hơn 100 nghìn đồng. Hy vọng buổi chiều cũng may mắn như vậy.

Hầu như sáng nào cũng thế, sau khi sắp xếp xong việc nhà, khoảng bảy, tám giờ là bà Du lại đi xe đạp điện lên điểm thu mua phế liệu ở TP Bắc Giang để gửi xe. Tại đây, bà lấy xe đạp của mình đã gửi sẵn rồi đi khắp phố phường thu mua phế liệu. “Phải đạp xe mới mua được nhiều. Nếu đi nhanh quá, các gia đình không kịp gọi, mất mối hàng”, bà Du nói.

Trong những năm tháng làm nghề thu mua phế liệu, bà Du đã gặp không ít tình huống “dở khóc dở cười”. 

Cách đây 6-7 năm, bà và một chị cùng thôn mua được hai gánh sắt vụn ở xưởng đóng tàu bên sông Thương. Khi hai chị em vừa gánh sắt lên bờ đê thì có “con nghiện” quát: “Hai bà kia đứng lại, bỏ gánh sắt xuống”. 

Thấy vậy, hai chị em sợ quá, vứt quang gánh bỏ chạy. “Hiện nay, không còn tình trạng đó nữa, an ninh trật tự trên địa bàn TP rất tốt nên chúng tôi yên tâm hơn”, bà Du bộc bạch.

Vừa xếp xong món đồ lên xe, toan ra về thì chị Đỗ Thị Thành, con gái bà Du đèo lỉnh kỉnh sắt vụn, bìa các tông, vỏ lon bia đi tới. Chị Thành khoe: “Sáng nay, tôi được một gia đình gọi thuê dọn nhà, trả công 200 nghìn đồng; đồng thời còn cho số sắt vụn, giấy vụn này”.

Chị Thành sinh năm 1984, đã xây dựng gia đình, có 3 con, cháu lớn học đại học, hai cháu nhỏ đang học THPT và THCS. Để có thêm nguồn thu cho gia đình, ngày nào chị cũng cùng mẹ lên TP Bắc Giang thu mua phế liệu bán lại cho chủ đại lý. Ngoài ra, nếu gia đình nào thuê dọn nhà, trồng rau chị đều nhận làm.

Chị Thành cho biết, thôn Liễu Đê hiện có vài chục chị em làm nghề thu mua phế liệu như mẹ con chị. Nhờ làm nghề này cũng có thêm tiền lo cho các con ăn học và chi tiêu lặt vặt trong nhà.

Trời đã về chiều, trong cái se lạnh đầu đông, mẹ con bà Du lại thong dong đạp xe mỗi người một ngả, thả sau lưng tiếng rao ngân dài “Ai nhôm đồng sắt vụn, giấy bỏ bán đê...”!

Duyên nợ với nghề

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa nhô khỏi dãy núi Nham Biền, từ TP Bắc Giang chúng tôi về thôn Liễu Đê bên dòng sông Thương thơ mộng. 

Gặp Trưởng thôn Phí Văn Bảo (57 tuổi) cùng vợ đang đảo thóc nếp trên sân nhà, ông Phí Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã thông tin: “Vợ chồng ông Bảo cũng một thời chuyên đi thu mua phế liệu khắp nơi. Mấy năm nay, do các con trưởng thành, xây dựng gia đình nên vợ chồng ông “nghỉ hưu” ở nhà làm ruộng và trông cháu”.

Ở Bắc Giang có một làng "tìm vàng" trong rác, thực ra bà con làm nghề gì?- Ảnh 2.

Đường vào thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) được xây dựng khang trang.

Bên ấm trà nóng, nghe kể chuyện về nghề “đồng nát” ở thôn Liễu Đê, chúng tôi thầm cảm phục đức tính chịu thương, chịu khó của người dân ở vùng đất từng được mệnh danh “chiêm khê, mùa thối” này. 

Liễu Đê ở địa thế thấp nhất xã, thuộc vùng đê bối nên những năm trước, mỗi khi mùa mưa đến, nhà cửa, ruộng vườn của người dân lại chìm trong biển nước. Bao tài sản tích cóp cả năm nhiều phen bị nước cuốn trôi. 

Cuộc sống của người dân quanh năm cơ cực. Nếu như xã Tân Liễu thuộc diện nghèo nhất huyện thì Liễu Đê là thôn nghèo nhất xã.

“Cái khó ló cái khôn”. Không cam chịu đói nghèo, người dân Liễu Đê bươn chải ra ngoài làm nghề “đồng nát”, thu mua đủ loại phế liệu để bán kiếm lời. Có thời điểm hầu như tất cả người trong thôn đến tuổi lao động đều tham gia “đội quân đồng nát”. 

Những năm 80 của thế kỷ trước, họ đi bộ sang TP Bắc Giang thu mua phế liệu; đến những năm 90 thì đi xe đạp, rồi xe máy. Nhiều người còn lên tận tỉnh Lạng Sơn hoặc các huyện lân cận để thu mua.

Đến nay, 2/3 số phụ nữ lớn tuổi của thôn vẫn theo nghề này. Ông Bảo tâm sự: “Không biết nghề thu mua phế liệu ở thôn có từ khi nào nhưng tôi sinh ra đã thấy bố mẹ làm nghề này rồi. Lúc đầu thì đổi kẹo lấy phế liệu, sau mua bằng tiền. Nghề này như đi câu, hôm gặp may thì lời nhiều, cũng có hôm trắng tay ra về”.

Cùng trưởng thôn đến thăm cụ Nguyễn Thị Khoan - một trong những người làm nghề “đồng nát” lâu năm. Mặc dù đã 91 tuổi song cụ Khoan vẫn không ngơi tay, lúc thì cho gà vịt ăn, lúc lại quét sân nhà, trông cháu. 

Cụ Khoan cười sảng khoái nói: “Hiện gia đình không còn khó khăn nữa, các con đã yên bề gia thất, có của ăn của để nhưng tôi vẫn thích lao động. Hơn 50 năm đi bộ thu mua phế liệu khắp đây cùng đó đã giúp tôi có được sức khỏe dẻo dai như ngày hôm nay”.

Cụ Khoan sinh được 8 người con. Nhà đông con nên từ năm 18 tuổi, sau khi lấy chồng, hằng ngày cụ đã quẩy quang gánh sang TP Bắc Giang thu mua phế liệu. Do có tính chịu khó, trung thực nên cụ được nhiều người quý mến, dành đồ hỏng để bán cho. 

“Tôi chưa bao giờ phải về tay không. Lúc nào cũng mua được nhiều hàng nhất so với mọi người trong thôn”, cụ Khoan hãnh diện nói.

Theo cụ, nghề “đồng nát” quan trọng nhất là tính chịu khó, trung thực, không được cân điêu hay chỉ biết thu vén cho bản thân. 

Cần phân loại rõ từng thứ, không được để chung sắt, nhôm, đồng vào một rồi trả bằng giá sắt vụn. Làm như vậy, người bán không ưa, lần sau không bán cho nữa. “Ngay cả mua của trẻ nhỏ ở ngoài đường tôi vẫn cân đủ, trả đúng giá”, cụ Khoan chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của bản thân, cụ Khoan thường căn dặn con cháu trong thôn cái hay và những điều cần tránh khi làm nghề. Đặc biệt, cụ luôn nhắc nhở con cháu không được mua đồ ăn cắp và không được có tính tắt mắt, lấy trộm đồ của gia chủ.

Mấy năm gần đây, công tác phòng, chống lụt bão được quan tâm, thôn Liễu Đê không còn cảnh ngập lụt nữa. 

Dù vậy, những phụ nữ trong thôn vẫn tần tảo đi thu mua phế liệu, chồng ở nhà chịu khó canh tác, tăng gia sản xuất nên đời sống của người dân ngày càng cải thiện. Có lẽ, từ nghề “đồng nát” này đã tạo ra cho người dân thôn Liễu Đê biết cách tận dụng những đồ phế liệu để sử dụng vào công việc hữu ích. Gia đình nào cũng có ý thức tự phân loại rác thải, tuyệt nhiên không có tình trạng vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng.

Nhiều gia đình trong thôn Liễu Đê đã mua được ô tô, mở đại lý ở TP Bắc Giang, các huyện Lục Ngạn, Việt Yên… để thu mua phế liệu như gia đình anh: Phí Văn Nam, Đặng Văn Tiệp, Phí Văn Đằng, Đỗ Văn Duy...

Về Liễu Đê hôm nay thấy khác xưa nhiều lắm, cả thôn có 304 hộ chỉ còn 7 hộ nghèo; số hộ khá và giàu chiếm 80 - 90%; gần 100% số hộ xây dựng được nhà trần, nhà kiên cố. 

Nhiều gia đình mua được ô tô đắt tiền, tàu thuyền hút cát; đường làng ngõ xóm được đổ bê tông, lắp đèn đường chiếu sáng. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, Liễu Đê được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã, trở thành điểm sáng về phát triển KT-XH ở vùng quê này.