Vì sao dân nhiều nơi ở Bắc Giang thờ Thánh Tam Giang, tên húy của Thánh là gì, gồm mấy người?
Vì sao dân nhiều nơi ở Bắc Giang thờ Thánh Tam Giang, tên húy của Thánh là gì, Thánh gồm mấy người?
Thanh Huyền (Cổng TTĐT Sở VHTT&DL Bắc Giang)
Thứ sáu, ngày 15/12/2023 05:14 AM (GMT+7)
Thánh Tam Giang là danh xưng gọi chung của năm anh em họ Trương là: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương. Tuy nhiên, trong các bản thần tích lưu giữ tại một số di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Thánh Tam Giang chủ yếu gắn với công trạng của Trương Hống và Trương Hát...
Thánh Tam Giang là danh xưng gọi chung của năm anh em họ Trương là: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương.
Tuy nhiên, trong các bản thần tích lưu giữ tại một số di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Thánh Tam Giang chủ yếu gắn với công trạng của Trương Hống và Trương Hát-hai vị tướng được nhắc tới nhiều nhất dưới thời vua Triệu Quang Phục; công trạng các nhân vật khác (Trương Lừng, Trương Lẫy, Trương Đạm Nương) ít được nhắc tới.
Thánh Tam Giang là danh xưng gọi chung của năm anh em họ Trương là: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương.
Tuy nhiên, trong các bản thần tích lưu giữ tại một số di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Thánh Tam Giang chủ yếu gắn với công trạng của Trương Hống và Trương Hát-hai vị tướng được nhắc tới nhiều nhất dưới thời vua Triệu Quang Phục; công trạng các nhân vật khác (Trương Lừng, Trương Lẫy, Trương Đạm Nương) ít được nhắc tới.
Tên gọi Tam Giang xuất phát từ tên gọi mà các triều đại Phong kiến Việt Nam phong cho Trương Hống, Trương Hát: Tam Giang thượng đẳng Thần. "Tam Giang" còn bắt nguồn từ đặc điểm nơi thờ thường ở ngã ba các con sông. Hai anh em ngài được đánh giá, đều là bậc tướng, chí dũng song toàn, "sinh vi dũng tướng, tử vi linh thần".
Đã từ lâu trong dân gian xứ Bắc, dọc đôi bờ sông Cầu có khoảng 372 làng thờ “Thánh Tam Giang”, tương truyền là những danh tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI.
Tỉnh Bắc Giang hiện có 100 di tích đình, đền, nghè thờ Thánh Tam Giang (kết quả kiểm kê năm 2013 của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang), về cơ bản mỗi làng đều có truyền thuyết, thần tích ghi chép về lai lịch, công trạng của Thánh Tam Giang với quê hương đất nước (bản thần tích có niên đại sớm nhất được sao chép thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII; phổ biến được sao chép, biên soạn thời Nguyễn thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX)... Căn cứ vào các thần phả, sắc phong của các di tích có thể tóm tắt về lai lịch, công trạng của Thánh Tam Giang như sau:
Anh em Thánh Tam Giang họ Trương tên húy là Hống, Hát, Lừng, Lẫy và Đạm Nương. Thân mẫu là người làng Vân Mẫu, xã Vân Mẫu, là con gái họ Phùng, tên hiệu là Từ Nhan, sắc đẹp hơn người, nết na, thuần thục. Một đêm bà nằm mộng tắm ở sông Lục Đầu thấy rồng quấn quanh mình mà có thai, rồi tại bãi Cửa Cữu sinh ra một bọc 5 con (4 trai, 1 gái).
Năm anh em là học trò của Tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang (tức xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn ngày nay). Anh em học đến đâu lầu thông kinh sử đến đấy, ngày ngày chăm đọc binh thư, siêng rèn võ nghệ, nên đều là những người tinh thông văn võ. Khi anh em 17 tuổi thì mẹ mất và 5 anh em đã táng mẹ tại xứ đồng Bãi Cả, hiếu thảo thờ mẹ 3 năm.
Năm 545 nhà Lương cử tướng Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược nước ta. Lý Nam Đế đem quân chặn đánh nhưng vì quân ít không cản được giặc phải rút về miền núi động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú) trao quyền cho tướng Triệu Quang Phục, rồi mất tại đó. Triệu Quang Phục đưa quân về đầm Dạ Trạch (Hưng Yên) đánh phục kích, đồng thời truyền hịch trong dân gian tìm người tài giỏi đánh giặc giúp nước.
Hai ông Trương Hống, Trương Hát nghe có hịch chiêu tài, anh em bàn nhau xin lệnh thầy, dụng kế lập thân, về quê mộ quân để đi giúp nước. Sau này các ông đến địa phận làng Tiên Tảo, huyện Kim Hoa, phủ Đa Phúc, lộ Bắc Giang thấy đất có thế ỷ giốc, tiến thoái lưỡng tiện có thể dụng binh liền cho quân hạ trại, làm tờ chiêu dụ nhân dân.
Tờ dụ viết: "Đất nước Vạn Xuân ta đang thanh bình, càn nguyên hanh thái, bỗng đâu giặc Lương xâm lấn, xã tắc đảo điên, muôn dân khốn khổ. Bọn Hống-Hát chúng tôi xuất thân con nhà lam lũ, được học võ nghệ, có chút mưu cơ, dám đem sức lực người bản xứ, dấy binh cuốc cày, địch cùng lang sói ngoại bang, giúp Triệu Việt Vương giữ an bờ cõi, dám mong chư vị bàn dân hưởng ứng nghĩa quân thì lấy làm may lắm".
Phụ lão làng ấy tiếp dụ, thấy các ông dung dị khác thường, uy nghi đường bệ, thi đua nhau cho con cháu đi theo làm quân sỹ.
Triệu Quang Phục được tin, sai sứ lên phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Đạm Nương làm hậu binh lương và lo kế sách phản công.
Đúng kỳ thúc giáp, hai phía cùng truyền lệnh quân cơ, tỏa binh tiếp trận, quân Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch tiến lên, quân Hống-Hát ở Tiên Tảo kéo xuống, thủy bộ bốn mặt giáp công, xung đột tung hoành đánh rất dữ dội.
Quân Lương không sao chống cự nổi, đại bại rã rời, số chạy dẫm đạp lên nhau, chết hại nhiều vô kể, số bị bắt mặt mày tái mét, run rẩy van xin, chánh tướng Trần Bá Tiên tử trận, phó tướng Dương Phiêu phải thu nhặt tàn quân rút về Bắc quốc. Dẹp xong giặc rồi, khải hoàn tấu tiệp, Triệu Việt Vương kéo quân về Long Biên sang sửa đô thành.
Nước nhà độc lập, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, phong thưởng cho các tướng có công đánh giặc. Vua Triệu phong thực ấp cho hai anh em họ Trương ở Kinh Bắc, Trương Hống ở làng Tiên Tảo, huyện Kim Anh (nay là thôn Tiên Tảo, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn), Trương Hát ở làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Tam Lư, Từ Sơn, Bắc Ninh) là nơi dấy binh cũ.
Được tin Triệu Quang Phục lên ngôi vua, Lý Phật Tử (người họ Lý Nam Đế) đã đem quân đánh lại nhưng không thắng, bèn dùng kế cầu hôn gả con. Trương Hống và Trương Hát đã can Triệu Việt Vương đừng gả Cảo Nương cho Nhã Lang. Nhưng Triệu Quang Phục không nghe, mắc mưu của Lý Phật Tử, rồi bị đánh úp.
Lý Phật Tử lên ngôi vua tự xưng là Hậu Lý Nam Đế và biết các ông là tướng tài giỏi bèn cho người vời ra làm quan. Song các ông nhất lòng trung quân không theo Lý Phật Tử, thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư?
Biết không thể khuất phục được, Lý Phật Tử lệnh truy bắt các ông khắp nơi. Các ông bàn nhau cùng đem gia quyến xuôi dòng sông Cầu, đục thuyền tự vẫn để giữ trọn tấm lòng trung với vua, hôm ấy là ngày mồng 12 tháng 9 âm lịch. Nhân dân dọc theo sông Cầu và các nơi các ông từng đóng quân đánh giặc đã vô cùng khâm phục, thương tiếc, lập đền thờ làm Thần.
Câu truyện truyền thuyết nhắc tới Trương Hống, Trương Hát nhiều nhất là câu truyện về sự ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà-bài thơ được cho là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Tương truyền, vào đầu triều đại Lý Nhân Tông thế kỷ thứ XI, nhà Tống lăm le xâm lược nước ta lần thứ 2. Tổng binh Lý Thường Kiệt thấu hiểu tâm đen của nhà Tống, ông xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt, dài theo bờ Nam sông Cầu (từ ngã ba Xà trở xuống) để chặn bước tiến của quân xâm lược, khi chúng liều lĩnh sang đánh nước ta.
Quả nhiên năm 1076 (năm thứ 5 triều đại Lý Nhân Tông) nhà Tống sai tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết hợp binh với quân Chiêm Thành, Chân Lạp hùng hổ sang đánh chiếm nước ta. Đến bờ sông Cầu, chúng bị chặn đứng, phải lập trại đóng quân bên bờ Bắc, củng cố lực lượng, chờ thời cơ vượt sông Cầu chọc thủng phòng tuyến của quân ta, tiến về kinh đô Thăng Long.
Một lần, Lý Thường Kiệt dẫn quân đi kiểm tra chiến tuyến, khi đến Phương La, thấy có ngôi đền lớn bên ngã ba Xà, hỏi ra mới biết đây là đền Xà, thờ nhị vị Đại Vương Tôn Thần họ Trương-Đức Thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát. Lý Thường Kiệt bèn truyền quân sửa lễ vào đền thắp hương bái yết, cầu xin âm phù hộ quốc.
Truyền thuyết về sự kiện lịch sử này, dân trong vùng kể rằng: Đêm ấy, nằm nghỉ ở đình Xà-Ngọt, đang lúc chập chờn nửa tỉnh, nửa mơ, Lý Thường Kiệt thấy hai vị Thần nhân, mũ áo chói lòa hiện ra. Lý Thường Kiệt vội đứng dậy bái chào.
Hai vị Thần nhân cao lớn lẫm liệt khác thường: Một vị mặt đen, mắt xanh, mặc áo bào trắng; một vị mặt trắng, râu dài, mình khoác áo bào đỏ, bảo rằng: Mới tới thăm nhau buổi sáng mà đã vội quên! Lũ giặc Tống kia, chỉ cần làm bạt hồn vía chúng, thì chúng sẽ tan. Anh em chúng tôi xin mang thần binh đến giúp ngài quét sạch lũ giặc..., dứt lời liền ngâm bài thơ:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Bấy giờ Lý Thường Kiệt mới biết, đấy là hai vị Thần thờ ở đền Xà. Tiếng ngâm vừa dứt, bỗng hai vị Thần nhân hoá thành đôi rắn có mào, trườn về phía sông Cầu. Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên và ông ngồi trầm ngâm tự chép lại bài thơ Thần trong trí nhớ.
Chép đi chép lại nhiều lần mới nhớ đúng được lời của bài thơ, Lý Thường Kiệt đắc ý khẽ cất tiếng ngâm, mấy tỳ tướng chầu hầu nghe được, phấn chấn hẳn lên cũng lẩm nhẩm học theo.
Lý Thường Kiệt sai quân chép bài thơ Thần làm nhiều bản, gửi tới tướng sĩ khắp chiến tuyến. Hôm sau ông bí mật đưa đại quân vượt sông sang bờ Bắc, mở trận tập kích vào đồn lũy giặc Tống. Lý Thường Kiệt đứng trước cửa đền Xà, bỗng nghe từ trên không trung có tiếng hò reo, ngựa người rầm rập, khí giới loảng xoảng cùng âm vang tiếng chiêng, tiếng trống theo nhịp bước quân đi.
Ông ngửa mặt nhìn lên, thì thấy hai vị Thần họ Trương, áo mũ xanh đỏ tề chỉnh, ngự trên đám mây trắng, quân sĩ đứng hai bên giáo mác tua tủa. Biết có thần binh trợ giúp, quân sĩ đều háo hức muốn xông ngay vào đồn giặc.
Liền đó, từ trên cao xanh trước cửa đền vọng xuống tiếng ngâm bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà...” ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Càng về sau tiếng ngâm càng sang sảng. Nghe tiếng thơ rền vang, tinh thần quân ta phấn chấn ào ạt xông lên giết giặc. Bên kia bờ Bắc, quân Tống nghe tiếng thơ ngâm mà hoảng sợ, bạt vía kinh hồn.
Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, quân giặc tan vỡ thành từng mảng, bỏ chạy toán loạn, dẫm đạp lên nhau. Xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng Mai Thượng (nay vẫn còn dấu ấn lịch sử là cánh đồng Xác và ngôi chùa Xác, sau đổi lại là An Lạc tự). Quân Tống đại bại, sau trận ấy vội vàng rút quân về nước.
Truyền thuyết này được văn bản hóa sớm nhất ở sách Việt điện u linh (1329). Ngoài ra, truyền thuyết còn được ghi lại trong các bộ sử lớn như Đại Việt sử kí toàn thư và các sách sử khác như Việt sử tiêu án, Việt sử tiệp kính, trong các bộ sách khác như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí....
Mặt khác, truyền thuyết này cũng sớm được lấy lại trong Lĩnh Nam chích quái và các sưu tập truyện cổ dân gian khác như Thiên Nam vân lục liệt truyện, Mã lân dật sử, các sách sử như Việt sử diễn âm, Việt sử quốc âm, Thiên Nam ngữ lục và các bản thần tích sưu tầm trước đây và hiện nay.
Các triều vua về sau: Lý, Trần, Lê đem quân đánh giặc phương Bắc tại dòng sông Cầu đều được Thần âm phù đánh thắng, có thể kể đến những điển tích: Phù giúp Ngô Vương đánh giặc Nam Hán ở sông Bạch Đằng; phù giúp vua hậu Ngô Vương đánh giặc Lý Huy ở núi Côn Luân; phù giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống; phù giúp Thái úy Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống... các triều vua đều có sắc phong cho hai ông là “Tam Giang thượng đẳng thần” như: Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (Trần Nhân Tông), sắc phong Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương, năm thứ tư gia phong Thiện Hựu Dũng Cảm. Các triều vua về sau: Trần, Lê đem quân đánh giặc phương Bắc tại dòng sông Cầu đều được Thần âm phù đánh thắng và đều có sắc phong cao nhất cho Thần là "Tam Giang thượng đẳng Thần".
Qua nội dung các bản thần tích, sắc phong, các truyền thuyết hiện có có thể thấy Thánh Tam Giang là nhân vật huyền thoại được xây dựng có lý lịch trần gian trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Các bản thần tích cho thấy đức Thánh Tam Giang là các vị Thần sông được nhân Thần hoá vào thế kỷ X và được phong Thần thờ ở sông Cầu từ thế kỷ X trở đi. Đa số các làng thờ Thánh Tam Giang ở tỉnh Bắc Giang lưu giữ thần tích khẳng định anh em nhà Thánh là những người có tài lực phi thường, có nhiều công lao khi sống phò vua giữ nước, khi chết âm phù diệt giặc, được các triều đại phong kiến phong Thần cho nhân dân thờ cúng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.