Dân Việt

Rét đậm rét hại ở miền Bắc kéo dài đến bao giờ, Tết Nguyên đán Giáp Thìn có còn rét đậm rét hại không?

P.V 27/01/2024 08:00 GMT+7
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (27/01), bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang di chuyển xuống phía Nam, Bắc Bộ và Thanh Hóa trời tiếp tục rét hại. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bắc Bộ ít có khả năng xảy ra rét đậm rét hại.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (27/01), bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang di chuyển xuống phía Nam, Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội tiếp tục rét hại, tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bắc Bộ ít có khả năng xảy ra rét đậm rét hại.

Trong chiều tối và đêm 27/01, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 4, giật cấp 5-6.

Bắc Bộ và Thanh Hóa trời tiếp tục rét hại; khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh trời rét đậm; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 9-11 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh từ 11-13 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13-16 độ.

Trên biển: từ chiều tối và đêm 27/01, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 1,5-3,0m; biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao 2,0-5,0m; biển động mạnh.

Rét đậm rét hại ở miền Bắc kéo dài đến bao giờ, Tết Nguyên đán Giáp Thìn có còn rét đậm rét hại không? - Ảnh 1.

Bắc Bộ trời tiếp tục rét hại. Ảnh: T.L

Vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động mạnh.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Đông của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2,0-3,5m, biển động.

Theo đại diện của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, giai đoạn trước Tết, từ ngày 29/1/2024 đến ngày 5/2/2024 (tức từ 19-26 tháng Chạp), nền nhiệt cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, trong giai đoạn này chưa có đợt không khí lạnh mạnh nào tác động, ở các tỉnh miền Bắc trời nhiều mây, đêm và sáng có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều có thể hửng nắng; trời rét, ít khả năng xảy ra rét đậm, rét hại.

Giai đoạn từ tuần gần và trong Tết, từ ngày 6/2/2024 đến ngày 12/2/2024 (27 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, có khả năng có không khí lạnh, nhưng ít khả năng có không khí lạnh mạnh như đợt đang xảy ra, gây rét hại ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung, vì vậy miền Bắc có khả năng rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại. Miền Trung trọng tâm là khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, ít khả năng xuất hiện mưa lớn. Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng ráo, miền Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ.