Nông dân Quảng Ninh nghĩ cách phòng chống rét cho "đầu cơ nghiệp"
Rét đậm rét hại bao trùm, nông dân Quảng Ninh nghĩ cách bảo vệ "đầu cơ nghiệp"
Thanh Tuyền
Thứ sáu, ngày 26/01/2024 05:07 AM (GMT+7)
Để đảm bảo đàn gia súc phát triển khỏe mạnh trong thời tiết rét đậm rét hại, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang chủ động tăng cường phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, nhất là khu vực miền Đông và khu vực miền núi.
Thời điểm này, không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt giảm sâu, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Trước tình hình đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là khu vực miền Đông và khu vực miền núi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm.
Tiên Yên là huyện miền núi, thuộc phía Đông của tỉnh Quảng Ninh. Những ngày này, nhiệt độ ở Tiên Yên thường duy trì ở mức 6-8 độ C. Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trong những ngày rét đậm rét hại, các hộ dân đã thực hiện các biện pháp chăm sóc đàn vật nuôi theo hướng dẫn của các ngành, đơn vị chuyên môn huyện Tiên Yên.
Theo đó, người dân tập trung tu sửa, che chắn chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô cho vật nuôi trong thời gian giá rét; đưa trâu, bò vào những khu vực nuôi nhốt để kiểm soát, bổ sung thức ăn tinh, nước ấm...
Những ngày qua, khi nghe dự báo thời tiết chuyển rét, nhiệt độ thấp, gia đình ông Sái Văn Hạnh (thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ) đã chủ động các biện pháp để bảo vệ đàn trâu. Thay vì chăn thả trâu ngoài ruộng, gia đình ông đã nhốt trâu trong chuồng, quây chuồng kín tránh gió lùa và rải trấu xuống nền để giữ ấm.
“Gia đình tôi hiện đang nuôi 4 con trâu. Những ngày thời tiết giảm sâu, ngoài việc dùng bạt quây kín chuồng trâu, gia đình còn chủ động cắt cỏ và bổ sung ngô, nước ấm để tăng sức đề kháng cho đàn trâu” - ông Sái Văn Hạnh cho hay.
Huyện Bình Liêu có nhiều khu vực là vùng núi cao, nhiệt độ thường thấp hơn so với các địa phương khác trên địa bàn Quảng Ninh. Những ngày này, nền nhiệt độ trên địa bàn huyện xuống thấp từ 0 đến 5 độ C, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, người dân đã chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại.
Gia đình ông Lương Thiêm Phú (thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) hiện đang nuôi 13 con trâu. Ông cho hay, khi biết thông tin sẽ có đợt rét đậm rét hại kéo dài nhiều ngày, gia đình ông đã chủ động dọn vệ sinh chuồng trại, nhốt trâu tại chuồng, nấu nước cháo ấm pha muối để tăng sức đề kháng cho trâu. Nhờ vậy, đàn trâu của gia đình vẫn khỏe mạnh.
Còn gia đình anh Dường Cắm Làu (bản Phai Làu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cũng chia sẻ: “Trong những ngày nền nhiệt xuống thấp, rét hại, tôi đã dùng bạt quây xung quanh cây rơm để tránh gió lùa và tăng cường bổ sung nguồn thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò của gia đình”.
Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ khu vực Móng Cái dao động từ 6-9 độ C, ảnh hưởng xấu đến vật nuôi, cây trồng. Trước tình hình rét đậm rét hại, người dân Móng Cái đã thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng chống rét, dịch bệnh cho người, vật nuôi, cây trồng.
Theo bà Nguyễn Thị Lam Đăng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Móng Cái, để phòng chống rét cho gia súc, gia cầm và vật nuôi, Hội Nông dân thành phố đã ban hành công văn chỉ đạo Hội Nông dân các xã, phường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân chủ động phòng chống rét cho đàn vật nuôi theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh, thành phố; phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống rét theo khuyến cáo của phòng ban chuyên môn.
Đồng thời, Hội Nông dân thành phố cũng đề nghị Hội Nông dân các xã, phường quan tâm cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, thông tin kịp thời để hội viên, nhân dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, cây trồng; tuyên truyền hội viên và người dân dự trữ thức ăn và giữ ẩm chuồng trại...
Đôn đốc phòng chống rét cho gia súc gia cầm
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 20/1, tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, sẽ xuất hiện rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất khu vực miền Đông của tỉnh từ 7 - 9 độ C, các khu vực khác 9 - 11 độ C, một số đỉnh núi cao ở Bình Liêu dưới 2 độ C. Đặc điểm đợt rét này là nhiệt độ giảm đột ngột và giảm sâu.
Do đó, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND cấp xã rà soát các chuồng trại nuôi nhốt trâu bò, vận động các hộ chưa có chuồng nuôi nhốt tại một số thôn bản miền núi khẩn trương chuẩn bị chuồng trại để đưa trâu, bò về nuôi nhốt, chăm sóc trong các ngày giá rét.
Các hộ chăn nuôi cần dùng bạt, phên tre, nứa, cỏ tranh che chắn kỹ chuồng trại, tránh mưa hắt, gió lùa, thường xuyên dọn chất thải, giữ nền chuồng luôn sạch, khô ráo. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 12 độ C, không chăn thả, làm việc, thực hiện nuôi nhốt và chăm sóc tại chuồng nuôi; may áo ấm cho trâu bò, áp dụng các biện pháp sưởi ấm phù hợp với điều kiện của từng hộ nuôi.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động thu gom, dự trữ thức ăn như rơm, rạ, thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang... để dự trữ làm thức ăn cho gia súc phòng những ngày rét đậm rét hại, không chăn thả được; cần cung cấp tối thiểu từ 25 - 30kg thức ăn thô xanh/con/ngày.
Các hộ chăn nuôi cần bổ sung cho trâu, bò ăn thêm thức ăn tinh (bột ngô, cám gạo…) với mức 1 - 1,5kg/con/ngày vào những ngày nhiệt độ xuống thấp để tăng cường sức đề kháng. Chú ý cho trâu, bò uống nước ấm có pha muối với mức 15 - 20 gam muối/con/ngày. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò, nếu phát hiện gia súc có biểu hiện khác thường cần báo ngay cho cán bộ thú y để tiến hành xử lý kịp thời.
Người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, dịch bệnh để chủ động tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh đề nghị chính quyền địa phương cần tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phòng, chống đói, rét cho vật nuôi để kịp thời ứng phó với những thay đổi bất thường của thời tiết nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra cho đàn vậy nuôi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phát triển chăn nuôi, hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống rét tại cơ sở và báo cáo tình hình thực hiện, số liệu bị thiệt hại do đói rét, dịch bệnh (nếu có) về Sở NNPTNT để phối hợp xử lý kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.