Trước Tết Nguyên đán 2024, triển lãm mai vàng nghệ thuật xuân Giáp Thìn được khai mạc tại xã Nhơn An (TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định), nơi mệnh danh là thủ phủ mai vàng của cả nước, khiến nhiều người chứng kiến không khỏi trầm trồ, thán phục.
Theo ban tổ chức, tại khu vực trưng bày có khoảng 300 tác phẩm mai vàng các loại, gồm mai dáng thế truyền thống, mai mini, mai bonsai... có giá từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Đặc biệt, năm nay có nhiều gốc mai được có dáng thế độc, lạ được giới mộ điệu cây cảnh liệt vào hàng "có một không hai".
Trong khi đó, tại khu vực thương mại trưng bày khoảng 5.000 tác phẩm mai vàng các loại chủ yếu thế mai trực (còn gọi là dáng long) truyền thống của Bình Định.
Bình Định có thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước nên cây mai tại đây phát triển tốt, có nét đặc trưng riêng, đặc biệt là dáng thế có sự khác biệt so với địa phương khác.
Ngoài ra, các nghệ nhân trồng mai ở Bình Định cần cù, chịu khó nên hình dáng cây mai phóng khoáng và cổ kính.
Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng mừng Xuân Giáp Thìn 2024, trưng bày, giới thiệu gần 300 tác phẩm mai vàng nghệ thuật (mai lớn cao hơn 2m, mai dáng thế truyền thống, mai mini, mai bonsai các loại) và hơn 5.000 tác phẩm phong phú, đa dạng để mua bán.
Ông Nguyễn Văn Bình (65 tuổi, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) trình làng một tác phẩm thuộc hàng hiếm được chính bàn tay ông chăm sóc đúng 30 năm. "Nghề chính của tôi là bốc thuốc bắc, chơi mai cảnh chỉ là nghề tay ngang để thỏa thú đam mê. Tôi tưởng tượng trong đầu rồi tạo dáng thế cho mỗi tác phẩm riêng nhưng để thành tác phẩm ưng ý phải mất rất nhiều thời gian và phải rất kiên trì", ông Bình nói.
Theo ông Bình, thế hệ trẻ bây giờ chơi cây cảnh rất sáng tạo, nhiều tác phẩm rất độc đáo mang bản sắc riêng của mỗi người. Tham gia triển lãm lần này giúp tôi nhận ra được ưu, khuyết điểm của mình.
Từ lâu, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn được biết đến là một vùng chuyên canh trồng mai, được giới yêu thích sinh vật cảnh mệnh danh là thủ phủ mai vàng của cả nước.
Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mai vàng An Nhơn.
Trồng mai không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn là một trong những ngành nghề kinh tế nông nghiệp đầy tiềm năng, đem lại thu nhập cao cho người trồng mai ở thị xã. Năm 2023, doanh thu mai Tết An Nhơn đạt 170 tỷ đồng.
Triển lãm nhằm quảng bá thương hiệu mai “Mai vàng An Nhơn” đến người yêu thích cây cảnh, góp phần kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của TX.An Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Ngoài ra, đây còn là dịp để các nghệ nhân sinh vật cảnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật cây mai vàng Bình Định.
Ông Ngô Viết Hòa cho hay: “Tôi rất ấn tượng các cây mai vàng độc đáo và lạ mắt mà các nghệ nhân đã trưng bày. Có những cây mai mang hình dáng kỳ thú, độc lạ, hoa vàng rực rỡ và có tuổi đời trên 30 năm. Tôi cảm thấy rất hào hứng khi chiêm ngưỡng những cây mai vàng tại triển lãm này”.
Trồng mai đối với người dân An Nhơn không chỉ là thú chơi nghệ thuật mà còn là cách làm kinh tế nông nghiệp mang lại thu nhập cao.
Vừa qua, Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Định dùng cho sản phẩm cây mai vàng được ban hành, góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định trong phát triển kinh tế hiện nay.
Những gốc mai "cổ thụ", có độ tuổi hàng chục năm tuổi.
Phó Chủ tịch UBND TX.An Nhơn (Bình Định) Mai Xuân Tiến cho biết, triển lãm là dịp để các nghệ nhân, người trồng mai trên địa bàn thị xã và địa phương lân cận giới thiệu những tác phẩm mai vàng có dáng thế độc đáo để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
"Sản phẩm mai vàng An Nhơn vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận quản lý chỉ dẫn địa lý, đây là cơ sở rất lớn để phát triển thương hiệu mai vàng An Nhơn trong thời gian đến. Chúng tôi đang định hướng phát triển thành thành phố mai vàng", ông Tiến nói.