Quy Nhơn nơi phủ cây xanh trên "đất vàng", được vinh danh thành phố du lịch sạch ASEAN 2024
Bình Định: Quy Nhơn - nơi phủ cây xanh trên "đất vàng" - được vinh danh thành phố du lịch sạch ASEAN 2024
Dũ Tuấn - Dũng Nhân
Thứ bảy, ngày 27/01/2024 06:34 AM (GMT+7)
Quy Nhơn (Bình Định) đổi “đất vàng” để trồng cây xanh, xây công viên phục vụ cộng đồng và ở hầu hết mặt tiền sát biển, giá trị đất “đắt đỏ”. Vùng đất yên bình này, vừa được vinh danh thành phố du lịch sạch ASEAN 2024.
Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2014 diễn ra từ 22-27/1/2024 tại thành phố Viêng Chăn (Lào), chiều 26/1 đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024.
Năm nay, Việt Nam có 3 thành phố nhận Giải thưởng, là TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).Đây là lần thứ hai TP.Quy Nhơn nhận giải thưởng này (lần thứ nhất vào ngày 16.1.2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 tại Brunei).
Thành phố Du lịch sạch ASEAN là giải thưởng cao quý của ASEAN, góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu của những thành phố có chất lượng dịch vụ du lịch cao, là dịp để các đơn vị quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia “Vietnam Timeless Charm”.
Để được công nhận "Thành phố Du lịch sạch ASEAN", các thành phố phải đảm bảo 7 tiêu chuẩn với 28 nhóm tiêu chí gồm: 5 nhóm tiêu chí về quản lý môi trường; 4 nhóm tiêu chí về mức độ sạch sẽ, vệ sinh; 5 nhóm tiêu chí về quản lý chất thải; 3 nhóm tiêu chí về ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; 2 nhóm tiêu chí về các không gian xanh; 4 nhóm tiêu chí về an toàn y tế và an toàn an ninh đô thị; 5 nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng và các tiện ích du lịch.
Cũng là du lịch nhưng ở Quy Nhơn rất nhẹ nhàng, yên bình, không khí ít ô nhiễm.
Khác biệt lớn nhất của TP.Quy Nhơn (Bình Định) là mọi người dân, du khách đều được xuống biển, không hề có rào chắn.
Cách ứng xử của người dân là nét văn hóa thân thiện, bất kể ai đến Bình Định, đều được đối đãi tử tế, chân tình, hào sảng và hiếu khách, từ quán ăn, nhà trọ bình dân đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Điều ngạc nhiên, Quy Nhơn đổi “đất vàng” để trồng cây xanh, xây công viên phục vụ cộng đồng và ở hầu hết mặt tiền sát biển giá trị đất “đắt đỏ”.
Việc quy hoạch ở Quy Nhơn được định hướng theo kiểu, thành phố hiện đại nhưng có bản sắc riêng, giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có.
Quy Nhơn được ‘ưu ái’ ban tặng đường bờ biển dài nên không gian biển luôn được ưu tiên, gắn liền với 2 trục đường chính là An Dương Vương và Xuân Diệu. Ở đây, chỉ quy hoạch một số công trình cao tầng tạo điểm nhấn, không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển.
Xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, Bình Định quy hoạch hướng về giá trị cộng đồng, ưu tiên dành những khu đất "vàng" ở vị trí mặt biển, dọc các tuyến đường lớn của Quy Nhơn xây quảng trường, trồng cây xanh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.